Hai mươi ba năm "gieo chữ" nơi đại ngàn

Chủ nhật - 20/12/2015 20:47

Hai mươi ba năm "gieo chữ" nơi đại ngàn

Có một người thầy mà người dân và học sinh ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) luôn rất kính trọng và yêu thương. Bởi trong suốt 23 năm qua, anh luôn ăn, ở, sống, làm việc và dạy chữ cho con em đồng bào. Anh là Đinh Thanh Hải, giáo viên Trường TH và THCS số 1 Trọng Hóa.


 Một sáng trời đông lạnh giá, men theo con đường nhỏ gập ghềnh, chúng tôi đến với bản Rông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa tìm gặp anh Đinh Thanh Hải, thầy giáo 23 năm gắn bó với đồng bào dân tộc, với học sinh các bản làng nơi mảnh đất biên cương. Sau giờ tan học, tôi mới được gặp và trò chuyện cùng anh. Trong câu chuyện, anh cho biết, nhà anh ở xã Hóa Tiến. Tốt nghiệp cấp 2 xong, bạn bè trong thôn bảo anh bỏ học lên rừng tìm trầm, tìm mun nhưng anh không đồng ý mà quyết định băng núi, vượt rừng gùi gạo về Quy Đạt học lên cấp ba. Sau đó, anh tiếp tục thi vào lớp trung cấp sư phạm ở Quảng Bình. Lúc này, ở địa bàn xã Dân Hóa đang thiếu giáo viên trầm trọng, mới học nghiệp vụ được 2 tháng, năm 1992, anh được điều về dạy tại điểm trường bản Hưng thuộc Trường phổ thông cơ sở Dân Hóa. Cũng từ đó, cuộc đời anh gắn liền với đồng bào và các em học sinh đang “khát chữ" nơi đại ngàn Trường Sơn... 
 Thầy giáo Đinh Thanh Hải nhớ lại lúc anh chọn lên Dân Hóa công tác, gia đình, vợ con anh ai cũng phản đối. Bởi Dân Hóa lúc đó chưa có đường ô tô lên. Mỗi lần đến lớp phải chuẩn bị đồ từ sáng sớm, đi bộ nguyên một ngày trời mới tới nơi. Buổi ngày, thầy dạy trò con chữ, tiếng Kinh. Tối đến, trò dạy thầy nói tiếng Khùa, tiếng Mày và các tập tục của đồng bào để tiện giao tiếp. Đồng bào xã Dân Hóa ngày đó nghèo khó, sống heo hút giữa đại ngàn, nhưng học trò ở đây rất ngoan và ham học, dân bản lại yêu thương đùm bọc thầy giáo như anh em ruột thịt. Giáo viên cắm bản đã khó khăn, nhưng nhìn các em học sinh quần áo rách rưới, nhem nhuốc lại thấy thương hơn! Nhất là những lúc trời mưa lạnh, các em không có áo ấm mặc đến lớp, đôi chân tím tái vì lạnh, anh phải thổi bếp lửa lên cho ấm rồi mới dạy được. Thấy những cảnh tượng đó, anh lại yêu học trò và dân bản hơn và thầm bảo mình phải cố gắng để dạy chữ mới mong cuộc sống họ đổi thay được. 
 Xa vợ, xa con nhiều lúc muốn về nhà nhưng cách núi ngăn sông, trời mưa lũ, nên có khi 3 tháng anh mới về nhà được một lần. "Có khi mưa lũ dài ngày, cơm không còn để ăn, mình phải vào rừng cùng dân bản để đào từng củ mài, củ sắn, hái từng bó rau rừng để ăn qua ngày. Mắc bệnh sốt rét thường xuyên, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ con nhưng rồi vẫn quyết tâm bám lớp để gieo chữ cho con em”, thầy Hải kể lại. Ngày đó, điểm trường bản Hưng, thầy Hải phụ trách có 4 lớp. Học sinh ở đây là con em của nhiều bản làng, nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí có lớp học trò là cả cha và con. Niềm vui lớn nhất của giáo viên cắm bản thời đó là ngày cuối tuần. Vì những ngày này, các thầy ở nhiều bản tập trung lại đi thăm nhà dân, xuống khe đánh cá hay vào rừng bẫy chim... 
 Anh Hồ Lâm, một người dân ở bản Hưng, xã Trọng Hóa cho biết: Khi dân bản có việc gì thầy cũng đến giúp đỡ. Học sinh không hiểu bài, thầy sẵn sàng đến nhà để dạy thêm... Sau hai năm gắn bó với đồng bào và học sinh bản Hưng, thầy Hải lại chuyển về bản Ka Định. Đây là một trong những bản đi lại khó khăn, vất vả nhất của mỗi giáo viên cắm bản ở biên cương. Đường lên bản được các thầy ví như đường lên trời. Bởi từ bản Hưng, các thầy đi xe đạp chừng 30 phút, sau đó cuốc bộ lên bản Ka Định mất 4 giờ đồng hồ nữa. Trên đường đi, các thầy phải vượt qua nhiều đoạn dốc, đá tai mèo lởm chởm và phía dưới là vực sâu. Mỗi lần vào bản phải nghỉ ít nhất 10 chặng mới đi hết con đường... Rồi cứ thế suốt hơn 23 năm trôi qua, thầy Hải vẫn miệt mài "cắm bản" gieo chữ cho đồng bào dân tộc. Cứ mỗi nơi thầy đến thì dân thương, thầy ở dân quý và thầy đi dân nhớ. “Tôi ngại nhất là mỗi lần chuyển công tác đến các bản khác. Vì mỗi lần như thế, không thể dứt nổi học trò và bà con ra đi...”, thầy Hải tâm sự. 


 Năm nay 43 tuổi nhưng thầy Hải đã trải qua 23 mùa rẫy cùng bà con. Trên những con đường mòn về bản làng của đồng bào Khùa, Mày đã in dấu chân người thầy ấy. Dù nắng, dù gió, dù phải chịu đựng những trận sốt rét hay những ngày mưa lũ hết gạo đứt bữa, thầy Hải cùng đồng nghiệp của mình vẫn bám bản, bám học sinh để dạy chữ. Hơn nửa đời người gắn bó với học trò nơi đại ngàn Trường Sơn, thầy Hải không thể nhớ hết đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp. 
 Nhiều thế hệ học sinh của thầy giờ đã lớn khôn, đã làm cán bộ như anh Hồ Tha ở bản Ông Tú đang là đồng nghiệp của thầy, anh Hồ Thon nay là Bộ đội Biên phòng, anh Hồ Xinh nay là cán bộ xã... Ngoài ra còn nhiều học trò khác đang là đảng viên, là cán bộ chủ chốt của các thôn bản ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa. 23 năm cắm bản, thầy Hải đã cống hiến trọn tuổi trẻ của mình cho đồng bào, cho học sinh vùng cao. Niềm vui lớn nhất của thầy là các thế hệ học trò đang khôn lớn, đời sống của bà con ngày càng đổi thay. Từ đó, anh có thêm động lực để tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn và nguyện gắn bó cuộc đời mình với các thế hệ học trò nơi núi rừng Trường Sơn. 
Theo Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Hôm nay1,032
  • Tháng hiện tại14,300
  • Tổng lượt truy cập476,816
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây