Người mẹ hiền trên bản Ông Tú

Thứ ba - 22/12/2015 21:33

Người mẹ hiền trên bản Ông Tú

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Nam, cô giáo Đinh Thị Thanh Hải được phân công lên xã Trọng Hóa (Minh Hóa) công tác. Ở bản Hưng một năm, cô được phân công về phụ trách điểm trường bản Ông Tú. Đây là bản làng còn hết sức khó khăn vì chưa có đường đi lại. Để đến được lớp, cô Hải phải leo lên con dốc mòn cheo leo, đá tai mèo lởm chởm, xuyên cánh rừng già mất gần 1 giờ đồng hồ. Cực nhất là trời mưa, đường lầy lội và rất trơn nên có thể té ngã bất cứ lúc nào.


  Bản làng này chỉ có duy nhất một lớp học mầm non tại nhà cộng đồng với 6 học sinh, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà sàn bằng gỗ và được bao bọc xung quanh bởi một khu rừng nguyên sinh. Cô Hải tâm sự: “Lớp tuy chỉ có 6 học sinh nhưng là lớp ghép 3 độ tuổi (từ 3-5 tuổi). Vì vậy, dù rất ít học sinh nhưng ngày nào tôi cũng phải soạn giáo án đủ cho cả 3 lớp”. Lúc chúng tôi đến, các cháu nhỏ đang chăm chú tập đọc chữ cái, tập vẽ, đọc thơ và ca hát ngoan ngoãn, say sưa. Khi được gọi lên đọc thơ, hầu hết các em đều đọc rất to và dõng dạc... Trời biên cương lạnh đến thấu xương nhưng chỉ cần cô giáo đến là các em có mặt đầy đủ. Đây cũng chính là niềm an ủi, động viên lớn nhất của mỗi giáo viên khi cắm bản ở đây. Cháu Hồ Ka, 5 tuổi, một học sinh ở lớp mầm non bản Ông Tú thỏ thẻ: “Cháu rất thích đi học. Vì đến trường, cháu được mẹ Hải yêu thương, mẹ dạy cháu đọc thơ, đọc chữ cái, ca hát...”. 
  Già Làng Hồ Nhâm nói: “Bản miềng đi lại khó khăn lắm nên mỗi lần thấy cô giáo lên dạy cho con em dân bản ai cũng quý, cũng thương. Dân bản miềng lúc nào cũng xem cô Hải như con cháu trong bản vậy”. Bản Ông Tú có trên 20 hộ dân, đồng bào nơi đây chủ yếu là người Khùa. Cả bản có trên 20 học sinh từ mầm non đến các cấp nhưng chỉ có mỗi lớp học mầm non là đóng trên bản, còn học sinh tiểu học phải đến học tại Trường tiểu học, THCS thì phải ra trung tâm xã, THPT về Hóa Tiến hoặc phải vào Trường THPT nội trú tỉnh. 
  Cô Đinh Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 Trọng Hóa cho biết: toàn trường có 157 học sinh, 22 cô giáo với 8 điểm trường. Vì các điểm trường lẻ rất ít học sinh nên đều phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng làm lớp học. Trong số các điểm trường lẻ, cô giáo dạy ở điểm trường bản Ông Tú là vất vả nhất vì đường đi lại quá khó khăn. Cuộc sống của đồng bào còn thấp, trình độ dân trí còn hạn chế nên nhiều khi các cô gặp phải những điều dở khóc dở cười, nhất là dịp phổ cập vào đầu năm học. 
  Theo cô Vinh, nhiều em học sinh đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh nên các cô phải chở phụ huynh ra UBND xã khai sinh cho con. Thậm chí, có gia đình còn khai nhầm khi đứa đang bế trên tay thì khai 5 tuổi, còn đứa 5 tuổi thì lại thành đứa đang bế trên tay. Tuy nhiên, các cháu ở đây rất ngoan và chăm học. Cứ thấy cô giáo đến là vào lớp ngồi học rất nghiêm túc, kể cả trời mưa rét đến đâu cũng không em nào bỏ học. 
  Tạm biệt cô Hải, các cháu và bà con nơi đây, chúng tôi rời bản Ông Tú trên con đường mòn trơn trượt. Lớp học mầm non khuất dần sau dãy núi nhưng tiếng hát cô Hải và các cháu như còn vang vọng bên tai: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”... 
Xuân Vương- Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay456
  • Tháng hiện tại4,802
  • Tổng lượt truy cập614,633
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây