Cảm động cảnh thầy cô dậy sớm đưa đón học trò tới trường

Thứ năm - 24/12/2015 21:37

Cảm động cảnh thầy cô dậy sớm đưa đón học trò tới trường

Tiếng gọi “Thăng ơi, Dương ơi,… dậy đi học thôi” của thầy cô tại Trường Tiểu học & THCS Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) khiến cả bản làng như được đánh thức. Rồi khi các em thức dậy, thầy cô đã đợi sẵn đầu bản để chở các em tới lớp và trưa lại chở về nhà.


  Nằm cách Trung tâm huyện nghèo Tuyên Hóa (Quảng Bình) hơn 60km, Trường Tiểu học & THCS Lâm Hóa, xã Lâm Hóa nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Vào những ngày đầu đông, ngôi trường lại được bao phủ bởi những màn sương dày đặc, những cơn gió rừng vẫn không ngừng rít kèm theo những cơn mưa phùn khiến cái lạnh nơi đầy như thấm vào da thịt. Khoảng 5 giờ sáng, khi mọi người đang ngon giấc thì các thầy cô nơi đây đã phải thức dậy để làm vệ sinh cá nhân và khoác cho mình những chiếc áo đủ ấm và bắt đầu hành trình “gõ cửa” nhà từng em một. Và một sự nhanh chóng đến ngỡ ngàng, chỉ sau chốc lát, cả cô và thầy của trường đã tập trung đông đủ trước cổng trường điểm Trung tâm. 
  Con đường nhỏ dài hơn 5km xung quanh là núi rừng trùng điệp không một bóng người qua lại, như thể dành đường cho đoàn xe máy của các thầy cô Trường TH & THCS Lâm Hóa vậy. Rồi những tiếng gọi “Thăng ơi! Dương ơi!… dậy đi học em” như đánh thức cả bản làng đang chìm trong màn sương tĩnh mịch. Thấp thoáng dưới những mái nhà sàn lụp xụp, hình ảnh các em học sinh đang dần hiện ra và thoăn thoắt tiến về đầu bản. “Đội quân” xe máy của các thầy cô đã đợi sẵn ở đó. Khi các em đã đến đông đủ, cuộc hành trình chở các em học sinh quần áo sờn rách, sẫm màu nâu xám trong tiếng cười nói ríu rít từ phía sau khiến đoạn đường dài hơn 5km này như ngắn lại, cái lạnh của núi rừng cũng được xua bớt đi phần nào. 


  Trên bộ đồng phục đã cũ và khuôn mặt tím tái vì lạnh, em Hồ Văn Dương (ở bản Kè) tâm sự: “Chúng em rất muốn được đến trường để học chữ Bác Hồ, thế nhưng mấy năm trước chúng em đi học khó khăn lắm, không có cầu lại phải thức dậy từ sớm để qua đò sau đó mới đạp xe tới trường, đường dốc cao nên nhiều bữa xe hỏng dọc đường không sữa được đành phải quay về. Còn những khi mưa lũ, gió lạnh lại không dám qua sông để tới lớp nên chúng em đành phải bỏ học. Từ khi được các thầy cô đưa đón, động viên nên chúng em không còn phải bỏ học nữa”. 


  Bài toán bỏ học của học sinh nơi đây như đã được tháo gỡ, thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm (người chịu trách nhiệm “gõ cửa” học sinh bản Kè) cho hay: “Do điều kiện khó khăn nên các bản (bản Kè, Chuối, Cáo) chưa có lớp dành cho học sinh cấp 2. Học sinh nơi đây đa phần đều là người dân tộc Mã Liềng, gia đình các em không đủ điều kiện để chở các em tới lớp, có nhiều em nhà ở sâu trong bản, sáng dậy lại phải trèo đèo, lội suối và quảng đường tới trường cũng xa khiến học sinh bỏ học giữa chừng rất nhiều. Từ khi có phương án đưa đón học sinh đến nay, tình trạng học sinh bỏ học đã không còn”. Suốt gần 3 năm qua, mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 bất kể tiết trời lạnh buốt hay gió mưa thì các thầy cô Trường TH & THCS Lâm Hóa cũng thức dậy từ sớm để đi đón các em tới trường. 


  Không những vậy, đến trưa khi học xong các thầy cô lại chở các em về lại bản rồi mới quay trở về phòng. “Xăng mình tự đổ, xe hư mình phải tự sửa nhưng vì thương các em phải trèo đèo lội suối đến trường nên các thầy cô ở đây đành chấp nhận chịu thiệt vậy, đổi lại các em gắn bó với con chữ hơn”, thầy Lâm chia sẻ. Ngoài việc đưa đón, đi vận động học sinh thì nhà trường còn lập ra quỹ “Hũ gạo tình thương” đầu mỗi năm học, và trích ra mỗi thầy cô mỗi tháng từ 10 – 15 ngàn để mua gạo cho các em trong mùa giáp hạt, quần áo và nhiều đồ dùng khác nữa. Nhờ vậy, hơn 2 năm qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ngày một giảm và không còn tái diễn nữa, các em cũng đã thấu hiểu về tầm quan trọng của việc học khiến tình cảm thầy trò càng gắn bó. 


  Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Thành Lương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Lâm Hóa cho biết: “Trước đây, học sinh bỏ học rất nhiều, nhưng 2 năm trở lại đây nhờ có các thầy cô tận tâm đưa đón học sinh nên không còn tình trạng học sinh bỏ học nữa. Hiện nhà trường đang đề xuất với Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa thành lập nhà ở bán trú cho học sinh để đỡ vất vả hơn cho cả thầy lẫn trò. Cùng với đó, khi học sinh có nhà ở bán trú thì các em cũng sẽ chuyên tâm học hành hơn”. 
Văn Lịnh - Đặng Tài

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay648
  • Tháng hiện tại8,869
  • Tổng lượt truy cập599,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây