Các đại biểu được hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin trong sử dụng phần mềm và xử lý các số liệu đánh giá công nhận danh hiệu "Công dân học tập".
Bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 do Hội Khuyến học Việt Nam ban hành nhằm thu thập minh chứng, đánh giá mô hình “Công dân học tập” với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa các mô hình học tập.
Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” dựa trên 3 năng lực cốt lõi: Năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng những công cụ học tập, làm việc; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Tại lớp tập huấn, 60 đại biểu đại diện Hội Khuyến học các huyện, thành phố, thị xã và các chi hội trực thuộc được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa mô hình học tập, đặc biệt là sử dụng phần mềm và xử lý các số liệu, minh chứng để hình thành hồ sơ đánh giá công nhận danh hiệu “Công dân học tập”.
Theo hướng dẫn, để đạt danh hiệu “Công dân học tập”, cá nhân phải đạt từ 80 điểm trở lên; riêng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 70 điểm trở lên, trong đó không có chỉ số nào đạt điểm dưới 5.
Việc đánh giá và công nhận “Công dân học tập” được thực hiện trên 3 nhóm đối tượng, gồm: Nông dân và lao động nông thôn; công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng, lao động tự do; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp, lực lượng vũ trang.
Qua đó, nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời, phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi người đóng góp cho việc xây dựng đất nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và xây dựng mô hình công dân học tập; hỗ trợ tối đa việc tự động hóa, áp dụng công nghệ IoT (Internet of Things), giúp giảm công sức con người trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí công dân học tập, đơn vị học tập.
Hương Trà