Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam sáng ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, đây là một sự kiện quan trọng trong phong trào khuyến học, là ngày hội của những người làm khuyến học cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh: Mạnh Quân).
Kế thừa và có những bước tiến chất lượng hơn, dài hơn để phát triển lớn mạnh
Phó Thủ tướng gửi lời trân trọng cảm ơn, lời chúc mừng, chào mừng tới tất cả đồng chí lãnh đạo, đơn vị, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam - những người mang hết trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của mình để góp phần vào sự nghiệp khuyến học khuyến tài.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự đóng góp không mệt mỏi của toàn thể hội viên và lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần quan trọng, không thể thiếu vào sự nghiệp phát triển, đổi mới giáo dục của nước nhà cũng như việc phát triển và bảo vệ tổ quốc.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự kế thừa và phát triển của Hội, nhất định Hội khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh và góp phần ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tổ quốc.
Nhìn lại 25 năm ngày thành lập và phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam, chúng ta thấy rất tự hào vì tất cả hơn 20 triệu hội viên của Hội, thực sự đã và đang phấn đấu xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập và xã hội học tập. Trong đó, hơn 20 triệu hội viên đã thực sự gương mẫu đi đầu.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục kế thừa và có những bước tiến chất lượng hơn, dài hơn trong những năm tới đây cùng với đất nước.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đại hội đại biểu Hội Khuyến học toàn quốc năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, tất cả các đại biểu phải đeo khẩu trang vì dịch bệnh. Và đây cũng là lần đầu tiên, ở rất nhiều đầu cầu các đại biểu theo dõi trực tuyến.
"Nói điều này để thấy rằng thế giới thay đổi, đất nước thay đổi và chúng ta phải chủ động thích nghi trong mọi bối cảnh - "trong cái khó ló cái khôn" để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của mình.
Trong dịch bệnh vừa qua, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của tri thức và sự hiểu biết. Thiếu tri thức, thiếu hiểu biết về dịch bệnh hoàn toàn có thể dẫn đến hai thái cực: hoặc lơ là mất cảnh giác hoặc quá sợ hãi. Qua đó, chúng ta cũng gián tiếp thấy rõ hơn vai trò của khuyến học và đặc biệt, của việc duy trì học tập trong người lớn và học tập trong nhà trường".
Đặc biệt, Phó Thủ tướng bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với rất nhiều các đồng chí hội viên, lãnh đạo Hội khuyến học các cấp đã trực tiếp tham gia chống dịch, tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, tham gia trực tiếp hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong quá trình ở những tâm dịch, Phó Thủ tướng đã gặp rất nhiều các chú, anh, chị... không chỉ tham gia chống dịch ban ngày mà mỗi tối về lại động viên các con các cháu tiếp tục học tập, dù không được đến trường.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội (Ảnh: Mạnh Quân).
Khuyến học khuyến tài gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số
Theo Phó Thủ tướng, bây giờ hầu như cả thế giới nói về đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta nhớ lại trước Đại hội, trước đại dịch và đầu nhiệm kỳ này, rất nhiều người, nếu không muốn nói là cả thế giới, bằng cách này hay cách khác đều nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Dịch Covid-19 cùng với chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 cho chúng ta rất nhiều gợi mở về câu chuyện khuyến học, khuyến tài và khả năng thích ứng của mọi người trong thời đại mới.
"Tôi nhớ rằng, trong một sự kiện của Hội Khuyến học Việt Nam, tôi đã được kể lại rằng, tại diễn đàn về CMCN 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Việt Nam, có một chủ đề rất quan trọng: Cách mạng 4.0 cho tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Cách mạng 4.0 không chỉ cho thế hệ trẻ như nhiều người vẫn tưởng, mà vô cùng quan trọng cho người lớn, kể cả người cao tuổi.
Chúng ta cũng thấy rất rõ, sau Đại hội nhiệm kỳ XIII của Đảng, hoạt động triển khai Nghị quyết Đại hội phải hoãn lại. Và tới đây, rất nhiều các hội nghị, sự kiện để triển khai các nội dung cụ thể mà Đại hội Đảng đề ra sẽ được triển khai.
Thời gian vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một trong những sự kiện rất quan trọng đã được tổ chức với sự tham gia, chỉ đạo của tất cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất cả nước. Đương nhiên, việc học tập được đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp. Nhưng đó là một trong những nội dung, những yêu cầu tối quan trọng để xây dựng con người và xã hội Việt Nam", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham dự Đại hội (Ảnh: Mạnh Quân)
Nếu không có khuyến học khuyến tài, liệu có được các thứ hạng giáo dục?
Để đồng hành cùng với Hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà báo cáo của Đại hội và Nghị quyết của Đại hội đã thông qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi một số ý kiến sau khi đã trao đổi thống nhất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, ranh giới giữa giáo dục trong nhà trường (giáo dục chính quy) và giáo dục ngoài nhà trường gần như ngày càng mờ đi. Và mờ đi theo hướng, công tác xây dựng xã hội học tập ngày càng hoàn chỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh phải học tại nhà học qua mạng, tự ôn bài thì gia đình, phụ huynh qua việc giúp các cháu học tập cũng chính là tham gia học tập.
"Nhìn lại, chúng ta còn nhiều điểm không hài lòng với kết quả phát triển giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn trên mặt bằng chung - rằng không một ngành nào, lĩnh vực nào có thể tách biệt hoàn toàn ra khỏi quá trình và trình độ phát triển chung của đất nước. Việt Nam về cơ bản vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình nhưng các chỉ số xếp hạng liên quan đến sự học của Việt Nam không chỉ về giáo dục đều đứng ở thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Chúng ta phải nhìn trên mặt bằng chung rằng không thuộc ngành nào, lĩnh vực nào có thể tách ra hoàn toàn khỏi chuyển động phát triển chung của đất nước. Việt Nam về cơ bản vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình. Nhưng các chỉ số xếp hạng liên quan đến sự học của Việt Nam không chỉ về giáo dục đều đứng ở thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Ví dụ, giáo dục phổ thông Việt Nam thì không có bảng xếp hạng chính thức của các tổ chức UNESCO hay tổ chức quốc tế chính thức xếp hạng nhưng nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế từ gián tiếp suy ra giáo dục phổ thông của chúng ta xếp hạng khoảng thứ 40 thế giới. Giáo dục đại học xếp hạng khoảng từ 65 đến 70. Giáo dục nghề nghiệp từ chỗ không được xếp hạng, bây giờ đã xếp hạng khoảng dưới 100, dưới 90.
Chúng ta có chỉ số đổi mới sáng tạo 4-5 năm vừa rồi liên tục đứng thứ dưới 50 và năm nay đứng thứ dưới 44 thế giới. Điều đó thể thấy rằng, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đều chú trọng đến việc học, qua đó góp phần cải thiện các chỉ số này", Phó Thủ tướng dẫn số liệu.
Phó Thủ tướng cho rằng, nhìn vào đó có thể vững tin rằng chúng ta đã đi đúng, đã nỗ lực và cùng nhau nắm chặt tay, tiếp bước mạnh mẽ.
"Điều này vô cùng quan trọng: Hội Khuyến học Việt Nam có góp phần quan trọng vào việc nâng bậc các thứ hạng hay không? Chắc chắn là có. Nếu không có hội Khuyến học Việt Nam, nếu không có phong trào khuyến học khuyến tài thì chắc chắn các chỉ số liên quan đến con người, các chỉ số liên quan đến giáo dục khoa học Việt Nam không thể có được", Phó Thủ tướng khẳng định.
Hội Khuyến học Việt Nam vinh danh và tặng bằng khen các cán bộ có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học thời gian vừa qua (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhiệm kỳ mới mang tính quyết định
Phó Thủ tướng cho hay, nhiệm kỳ này của Hội Khuyến học Việt Nam cũng như nhiệm kỳ này của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ có thể nói là một nhiệm kỳ có tính quyết định đến việc thành hay bại của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng ta đề ra.
Phó Thủ tướng đánh giá, suốt những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH… đã làm được rất nhiều việc. Có những việc tạo nên sự tranh luận nhưng chúng ta đã cùng nhau đi đến điểm chung và làm rất nhiều việc. Đây là nhiệm kỳ mang tính quyết định vì chúng ta đã bắt đầu triển khai và đổi mới chương trình giáo dục các cấp.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục kiên trì và mạnh mẽ xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, công dân học tập: "Chúng tôi rất mong đợi, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn có thể kéo dài, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được hệ thống học tập chính quy. Đặc biệt, với bậc phổ thông, vai trò của Hội Khuyến học các cấp vô cùng quan trọng. Tất cả các hội viên chúng ta cũng đều có con, cháu đang đi học. Chưa bao giờ sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục cho các con trẻ lại cần như vậy".
Thêm nữa, chúng ta đã có bước tiến khá dài trong việc xây dựng nền giáo dục mở từ những ngày đầu tiên khi chúng ta triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục. Khung giáo dục mở đặt nền móng cho việc xây dựng kho học liệu mở quy mô toàn quốc.
Nó không đơn giản chỉ là việc tạo điều kiện để tất cả mọi người học tập liên thông, từ hệ thống bổ túc văn hóa trước đây là trung tâm giáo dục thường xuyên, nó không chỉ đơn thuần là giải quyết các vướng mắc của các trung tâm đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa mà quan trọng hơn nó mở ra phương thức đào tạo rất mới mà Việt Nam phải tranh thủ để bứt lên mạnh mẽ.
Cụ thể, trước đây, đào tạo theo phương thức cũ, kể cả trong trường và ngoài xã hội là một thầy, một chương trình và nhiều học trò. Bây giờ thế giới đã tạo ra những mô hình học tập rất mới - tiến tới mỗi người học một chương trình phù hợp với mình. Và cũng không phải một lớp một thầy nhiều trò mà cũng sẽ có những lớp một học trò và nhiều thầy cùng lúc. Đây là xu thế rất mới của thế giới. Nếu chúng ta tranh thủ nhanh hơn thì chúng ta sẽ tận dụng được thời cơ.
Trong giáo dục mở, phần nhiều từ trước đến nay chúng ta nói rất nhiều về giáo dục người lớn và sản xuất nghề nghiệp và chúng ta đã đạt kết quả rất to lớn. Một khảo sát của Hội gần đây là xấp xỉ 93% những người được hỏi đều cho rằng việc xây dựng xã hội học tập và học tập ở người lớn giúp họ có thêm việc làm và có việc làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, ông đã làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ KH&CN và ban điều hành Đề án Tri thức Việt số hóa. Từ đây, các bên sẽ có trách nhiệm làm việc trực tiếp với Hội Khuyến học Việt Nam, để cùng nhau, dùng công nghệ đổi mới hoạt động.
"Chúng ta cùng tin tưởng rằng, Đại hội lần này sẽ đánh dấu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn của Hội Khuyến học Việt Nam. Và Hội Khuyến học Việt Nam không chỉ ở trung ương mà tất cả các cấp hội sẽ thực hiện thật tốt chức năng khuyến khích, chức năng hỗ trợ và cả chức năng tư vấn cho Đảng và chính quyền các cấp. Chúng ta cũng tin tưởng rằng, sự nghiệp giáo dục của Việt Nam chắc chắn sẽ thành công", Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.