Kế hoạch tuyên truyền năm 2018
Thứ ba - 27/02/2018 21:00
Ngày 28 tháng 02 năm 2018, Hội Khuyến Học Quảng Bình ban hành công văn số 17/KH-HKH về kế hoạch tuyên truyền năm 2018
I. MỤC TIÊU TUYÊN TRUYỀN
1. Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 và Kế hoạch số 848/KH-UBND ngày 10/01/2014 của Ủy Ban nhân dân tỉnh về thực hiện 02 Đề án trên tại Quảng Bình; Đồng thời, bám sát 10 nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học toàn quốc lần thứ V đề ra và Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
2. Phát huy những thành tựu đạt được của hơn 21 năm Hội Khuyến học Việt Nam và 19 năm Hội Khuyến học Quảng Bình xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh với vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội, tập hợp, đoàn kết hội viên đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
II. NỘI DUNG VÀ TRỌNG TÂM TUYÊN TRUYỀN
1. Hội Khuyến học các cấp trong Tỉnh với việc đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và chuyển phong trào sang giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng các mô hình học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập:
- Thông qua Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
- Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, đơn vị; tuyên truyền, giới thiệu các mô hình điển hình về xây dựng xã hội học tập của từng địa phương, những điển hình của từng loại danh hiệu; góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
- Tuyên truyền việc tổ chức phong trào thi đua “đơn vị học tập” tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang...
- Thành lập, xây dựng tổ chức Hội trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp...
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Giới thiệu các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả ở các địa phương để học tập, rút kinh nghiệm. Thúc đẩy việc dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng, đề cao tinh thần xã hội hóa, hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp.
- Vấn đề học và tự học của người lớn; giới thiệu các công nghệ học tập phù hợp với người lớn; giới thiệu xu hướng học tập nơi làm việc, học tập phục vụ cho công việc.
- Giới thiệu các Dự thảo về tiêu chí “thành phố học tập” và “công dân học tập” suốt đời.
- Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ V và Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đề ra.
- Sáng kiến khuyến học, khuyến tài của các Hội địa phương.
2. Tiến tới Đại hội Thi đua Khuyến học toàn quốc lần thứ IV và Đại hội thi đua khuyến học của tỉnh (thời gian từ nay đến năm 2020), cần đẩy mạnh và thường xuyên tuyên truyền kết quả các phong trào khuyến học; phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập’, “Đơn vị học tập”.
3. Những vấn đề về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo” theo quan điểm xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập...
4. Kết hợp học tập tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để quán triệt quan điểm về giáo dục người lớn và noi gương Người về học tập suốt đời.
5. Tôn vinh các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các tấm gương khuyến học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
III. TỔ CHỨC VÀ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Đưa tin, bài về các hoạt động của Hội trên báo chí của Hội Khuyến học Việt Nam (báo giấy, báo điện tử, website) bản tin, website của Hội Khuyến học tỉnh.
- Đưa tin, bài trên Báo Trung ương, Báo Quảng Bình, các tạp chí, bản tin của tỉnh và bản tin của các ban, ngành, địa phương.
- Phối hợp với Đài PT- TH Quảng Bình, Đài Truyền thanh- Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đưa tin các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
2. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc vận động xây dựng phong trào “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập”, sinh hoạt của câu lạc bộ, nhà văn hóa, ...
3. Tuyên truyền trong các cơ quan, các tổ chức chính trị-kinh tế-xã hội, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục chính quy và không chính quy.
4. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền thường xuyên, chú ý tổ chức tuyên truyền nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Dân tộc, Ngày Đại đoàn kết toàn dân (18/11), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày Khuyến học Việt Nam (02/10), Tháng khuyến học, các Chương trình khuyến học của địa phương, Đại hội Thi đua Khuyến học toàn tỉnh tiến tới Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ IV./.
Mạnh Dũng