NHÂN NGÀY KHUYẾN HỌC VIỆT NAM 2-10: HỘI KHUYẾN HỌC QUẢNG BÌNH LÀM THEO LỜI BÁC: “AI CŨNG ĐƯỢC HỌC HÀNH”

Thứ hai - 06/10/2014 23:10
Được thành lập từ năm 1999, Hội Khuyến học Quảng Bình đã trở thành một tổ chức xã hội của những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, góp sức cho phong trào xây dựng cả tỉnh thành “xã hội học tập” và “học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”...
Qua 3 kỳ đại hội và đặc biệt từ năm 2009 đến nay, tổ chức Hội Khuyến học không ngừng được củng cố và phát triển, tính đến tháng 6-2014 toàn tỉnh đã có 21 đơn vị trực thuộc (8/8 huyện, thị, thành hội 13 chi hội cơ quan và trường học) tăng 14 đơn vị so với năm 2008; 265 chi hội trực thuộc huyện, thị, thành hội; 1.904 chi hội trực thuộc xã, phường, thị trấn; 1.230 ban khuyến học trực thuộc xã; tổng số hội viên 213.703, chiếm 24,9% dân số, tăng 37.849 hội viên (17,71%) so với năm 2008. Đồng thời Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động liên kết với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) có hiệu quả. 
 Từ năm 2010 Tỉnh hội và Hội Khuyến học cấp huyện đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Khuyến học với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu giáo chức, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2010-2015. Qua gần 5 năm thực hiện các tổ chức tham gia ký kết đã phối hợp chặt chẽ, thu nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật nhất là công tác vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia hội viên khuyến học, gương mẫu tham gia xây dựng khu dân cư khuyến học, tham gia sinh hoạt học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), câu lạc bộ học tập cộng đồng, chăm lo quản lý học sinh nghỉ hè, ngoài giờ, bồi dưỡng học sinh giỏi, kèm cặp học sinh yếu kém, giúp đỡ học sinh cá biệt, học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường; hình thành mô hình hoạt động mới như mô hình “Dân vận khéo trong khuyến học”. Phát huy tự học, tự bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, suốt đời được đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên gương mẫu tham gia xây dựng khu dân cư khuyến học, tham gia sinh hoạt học tập tại TTHTCĐ, câu lạc bộ học tập cộng đồng. Từ năm 2009-2014 các TTHTCĐ liên kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư... đã mở được 12.120 lớp thu hút trên 622.800 lượt người tham gia học bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ, các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, các ngành nghề truyền thống… Ý thức tự học trong các tầng lớp nhân dân bước đầu được khơi dậy, mô hình “Thư viện, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình” được hình thành và từng bước phát huy tác dụng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới… 
 Đặc biệt trong hoạt động của mình các cấp Hội Khuyến học đã chú trọng phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo vận động phụ huynh học sinh khắc phục khó khăn cho con em đi học đúng độ tuổi. Cùng với các đoàn thể tổ chức khảo sát phân loại học sinh trước khi bước vào năm học mới, tạo mọi điều kiện cho mọi học sinh trong độ tuổi được cắp sách đến trường, hàng năm huy động học sinh đạt tỷ lệ khá cao, trong đó cháu mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 90%, tiểu học 99,1%, THCS đạt trên 95% và THPT đạt trên 73%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần qua hàng năm (nếu như năm học 2008- 2009 số học sinh bỏ học là 0,80%, thì đến năm học 2012- 2013 chỉ còn 0,37%). Việc duy trì, củng cố và phát triển kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15- 35 cho tất cả các vùng đạt 99,6%, tỷ lệ người biết chữ từ 36 tuổi trở lên đạt trên 98%; số em trong độ tuổi học đường bị khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập có 1.040/1.209 em; một số do hoàn cảnh quá khó khăn không theo học ở nhà trường đều theo học các chương trình phổ cập trong độ tuổi đạt từ 75- 85%. 
 Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Khuyến học với Sở Giáo dục-Đào tạo về xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong những năm qua Tỉnh hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Tiếng trống khuyến học”, “Tổ học sinh tự quản 10 không”, “Thường trực Hội Khuyến học cơ sở dự chào cờ sáng thứ hai hàng tuần”, “Tổ chức Hội Khuyến học cơ sở nhận đỡ đầu một trường mầm non, nhận đỡ đầu một đến hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”... tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém… nhờ vậy đã góp phần quản lý, nhắc nhở, giúp đỡ học sinh cá biệt, học sinh có nguy cơ bỏ học tích cực học tập, rèn luyện... hàng nghìn học sinh yếu, kém, trung bình trở thành học sinh khá, đạo đức tốt. Các cấp Hội Khuyến học cũng đã tích cực vận động triển khai thực hiện Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012- 2015”. Đến ngày 30-6-2014 các cấp Hội đã vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tài trợ trên 22,3 tỷ đồng xây dựng được 3 trường THCS, 7 trường tiểu học, 3 trường mầm non góp phần đưa tỷ lệ kiên cố hóa phòng học văn hóa đạt 68,6%; vận động quyên góp xây dựng 3 cầu khuyến học dân sinh thuộc 3 xã: Quảng Hợp (Quảng Trạch), Cồn Sẻ - Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn) và cầu Trọng Hóa (Minh Hóa) với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài, luôn được các cấp Hội thực hiện kịp thời đúng đối tượng, mỗi năm đã vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các gia đình, dòng họ, cộng đồng… để cấp 126.977 suất học bổng (từ năm 2009-2013) cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi... với số tiền 89.422 triệu đồng. 
 Và trong năm 2014 dự kiến sẽ cấp 25.000 suất với số tiền 18 tỷ đồng. Đồng thời để tạo nguồn tài chính cho việc tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân thì Hội Khuyến học các cấp cũng đã có nhiều hình thức phong phú, năng động, sáng tạo như tổ chức các chương trình: “Ca nhạc, thời trang tiếp sức đến trường”, “Liên hoan tiếng hát khuyến học”, “Chung tay góp sức vì học sinh vùng lũ”, “Nuôi heo đất khuyến học”, “Cây trồng, vật nuôi khuyến học”, học bổng 1+1, 1+n, … và 5 năm qua toàn tỉnh đã thu được 122.153 triệu đồng so với 10 năm trước tăng 102.153 triệu đồng. Đồng thời các cấp Hội Khuyến học còn thường xuyên tập trung chỉ đạo thi đua nêu gương sáng “người người học và tự học”, nhân rộng cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học và tổ chức tôn vinh kịp thời, khách quan đã có tác dụng động viên“học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”. 
 Đến nay qua ba lần đại hội các cấp Hội Khuyến học đã biểu dương 96.672 gia đình hiếu học/110.000 gia đình đăng ký; 1.036 dòng họ hiếu học/1.300 dòng họ đăng ký; 1.021 cộng đồng khuyến học/1.310 cộng đồng đăng ký (so với năm 2008 tăng 19,5%). Có thể nói, cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học” được Hội Khuyến học triển khai thực hiện rộng rãi trong toàn tỉnh đã đã đi vào cuộc sống, trở thành quần chúng tự giác, khơi dậy truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, dòng họ, làng quê đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội… Và 15 năm qua Hội Khuyến học Quảng Bình đã phần nào thực hiện được “ham muốn tột bậc” của Bác “ai cũng được học hành”. 
NỘI HÀ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,318
  • Tháng hiện tại23,146
  • Tổng lượt truy cập485,662
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây