Dân số của xã Duy Ninh có 1.670 hộ thì số hộ nghèo và cận nghèo 308 hộ. Nhiều năm qua, xã đã vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nhân rộng các mô hình chăn nuôi trồng trọt và tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để mở rộng sản xuất. Về xây dựng nông thôn mới, trong quá trình rà soát, chỉ có 2 tiêu chí về an ninh trật tự và y tế là đạt toàn diện còn các tiêu chí khác như môi trường, giao thông nông thôn, cơ cấu hạ tầng... thì rất khó, “Những tiêu chí này không biết đến bao giờ xã mới có thể hoàn thành, vì các tiêu chí này đều cần vốn trong khi dân còn nghèo chỉ có thể đóng một khoản nhỏ chứ không thể huy động vốn của dân để xây dựng”, một cán bộ xã chia sẻ.
(Hai người mẹ ở xã Duy Ninh đang gặt lúa cuối mùa, ruộng lúa này nuôi 3 đứa con đang theo học ĐH ở Đà Nẵng)
Tuy nhiên, vùng đất khó này lại trở thành cái nôi của con chữ. Nói như ông Nguyễn Hữu Lập, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Duy Ninh thì đất nghèo đã nở hoa. Ông Lập cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã, hầu như nhà nào cũng có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong đó có hàng chục nhà có từ 4 đến 5 con học đại học, hoặc học đến thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành kinh tế, xã hội học, y, dược...
Theo thống kê của Hội Khuyến học xã, từ năm 2006 đến nay, toàn xã có 336 em đỗ đại học và cao đẳng. Cao nhất là năm 2009 có 56 em trong tổng số chưa đến 110 em đi thi. Các năm còn lại đều trên dưới 40 em, luôn chiếm hơn 30% trong tổng số học sinh đi thi. "Ở đây, những hộ nghèo có thể thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng việc học của con cái thì họ không bao giờ từ bỏ. Trong suy nghĩ của bà con, chỉ có học mới làm nên tất cả", ông Lập chia sẻ.
Chị Phan Thị Huế, thôn Tả Phan kể, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo nhưng chị vẫn gắng đi làm thuê, làm mướn để con cái có thể đến trường. Năm nay cô con gái Lê Thị Hoài Thương của chị đậu Trường đại học ngoại ngữ Đà Nẵng với số điểm khá cao 22,5, là niềm vui lớn nhất của gia đình chị. "Mùa gặt này, tui cũng tranh thủ đi gặt thuê. Số tiền kiếm được gửi thêm cho con gái nhập trường. Chỉ hy vọng nó ra trường đi làm sẽ khá hơn ba mẹ nó", chị nói. Không phụ lòng ba mẹ đã phải vất vả kiếm tiền cho con cái ăn học, nên các thế hệ con em trong xã đều quyết tâm học tập và đạt kết quả cao, rất nhiều gia đình có con học đại học đã thành đạt. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Mạnh Toại, thôn Hiển Lộc có 4 người con học đại học, có việc làm ổn định. Gia đình ông Nguyễn Hữu Kỳ, thôn Hiển Vinh cũng có 4 người con học đại học và 1 người học cao đẳng đã ra trường, đều có việc làm.
Đặc biệt là ông Trần Công Hòa, có đến 5 người con tốt nghiệp đại học trở lên. Nhiều năm trước đây, ông Hòa làm một mẫu ba ruộng và rất nhiều nghề chắt bóp từng đồng nuôi 5 người con ăn học. Người con thứ 4 của ông là anh Trần Công Khánh đã có ý định bỏ học vào năm lớp 6 để đi chăn trâu thuê vì lúc đó cuộc sống của gia đình quá khó khăn. Không thể để con thất học, ông đã động viên con tiếp tục đến lớp. Với tố chất thông minh, từ năm lớp 8 trở đi, năm nào anh cũng đạt học sinh giỏi và đi thi học sinh giỏi quốc gia khi đang theo học tại Trường Chuyên Quảng Bình, hiện anh Khánh đang làm luận án tiến sĩ tại Nga. Cả năm người con của ông khi học phổ thông đều tranh thủ thời gian để giúp gia đình làm đồng, chăn trâu, giữ vịt, lúc họ là sinh viên đều tranh thủ làm thêm để trang trải cuộc sống. Đến nay, các con ông đều có công ăn việc làm ổn định. “Ngày xưa, vì gia đình quá cực nên tôi đã thất học, hai vợ chồng cày cuốc nuôi con, quanh năm đói kém triền miên. Nay tôi phải gắng cho con học hành để thay đổi tương lai của gia đình. Thế hệ tôi không được học thì thế hệ con tôi phải được học”, ông Hòa cho hay.
Tin rằng, truyền thống hiếu học sẽ còn tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho những người con của Duy Ninh bay cao, bay xa, trở thành những nhân tài đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương đất nước phồn vinh.
Theo Báo QB