Từ xã Châu Hóa, vượt gần 10km đường rừng khi thì lổn nhổn toàn đá, khi thì lầy lội những bùn, ngoằn ngoèo, hoang vắng mới đến được xã Cao Quảng. Mặc dù đã được nhiều người cảnh báo trước, nhưng ngồi trên xe, nhiều lúc tôi không khỏi thót tim trước những con dốc chênh vênh, hoang vắng. Vậy mà, trên con đường ấy, ngày ngày vẫn là hành trình đến trường của những học trò nghèo nơi đây.
Do địa thế bất lợi nên từ nhiều năm nay, việc học tập của các em học sinh cấp III ở xã gặp rất nhiều khó khăn vì đường đến trường quá xa và cách trở. Các em phải vượt hơn 12 cây số, vượt đồi, dốc để đến trường và trở về nhà khi trời đã sập tối. Đường lên Cao Quảng ngày nay cũng chưa dễ dàng gì, do đường quá dốc, ngoằn ngoèo. Các em chỉ có cách đi bộ chứ có xe đạp cũng chịu. Các em còn đùa với chúng tôi rằng: "Đi xe đạp thì cõng xe lên vai đi còn nhanh hơn".
Trường THPT Lê Trực là ngôi trường nơi các em học. Trường nằm ở trung tâm xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa), không chỉ học sinh Cao Quảng đến học mà học sinh nhiều xã khác cũng đến học tập nơi đây. Nhưng theo chúng tôi được biết thì đi học vất vả và gặp nhiều khó khăn nhất vẫn là học sinh xã Cao Quảng.
Em Nguyễn Viết Xuân (Lớp 12A11, Trường THPT Lê Trực) cho biết: "Mùa nắng, từ nhà đi bộ tới trường cũng mất hai tiếng rưỡi đồng hồ. Còn vào mùa mưa, bạn nào học buổi sáng cũng phải dậy từ 4 giờ sáng, nếu học buổi chiều thì phải tranh thủ đi từ lúc 9h trưa, tan học về đến nhà có lúc phải là 8h tối. Do nhà xa quá nên đa số chúng em phải ở lại nhà bà con, hay mướn phòng trọ, cuối tuần về chứ không thể đi về hàng ngày được".
Khó khăn là thế, nhưng vẫn có không ít em đã vươn lên học tốt. Từ nhiều năm nay, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Với học sinh ở vùng sâu, vùng xa này, đó là điều khích lệ to lớn. Năm 2012, xã có 11 em đậu đại học, cao đẳng, trong đó 7 em đậu vào các trường đại học. Em Hoàng Thị Mỹ Châu (học sinh Trường THPT Lê Trực) đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, em Nguyễn Thị Xanh Tươi đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học...
Ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trực cho biết: "Phần lớn, các em học sinh xã Cao Quảng là con gia đình nghèo khó nhưng các em luôn chăm ngoan, học giỏi. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện, khuyến khích các em đến trường học tập, giúp các không bỏ học giữa chừng".
Ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết: "Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng hầu hết các em học sinh ở xã Cao Quảng đều có tinh thần vượt khó học tập. Chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện nhằm giúp các em không bỏ học nửa chừng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên đa phần các em được xin ở nhờ nhà bà con trong xã Tiến Hóa, công việc học tập bớt phần vất vả".
Dù khó khăn, vất vả nhưng các em học sinh nơi đây vẫn không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện. Trên con đường đất chênh vênh và hoang vắng ấy, các em vẫn mơ về một tương lai tươi sáng, trở thành những người tài giỏi, góp phần bảo vệ quê hương, đất nước.
Theo Báo QB