Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta. Xã hội học tập là một cơ sở tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tri thức cao phục vụ CNH, HÐH đất nước. Xã hội học tập đòi hỏi sự học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời. Trong xã hội đó, gia đình, là tế bào của xã hội cho nên Gia đình phải trở thành cơ sở học tập đầu tiên nuôi dưỡng trí tuệ, nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi thành viên.
Nhận thức điều đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động xây dựng "Gia đình hiếu học" trong cả nước với ba tiêu chí chủ yếu. Tất cả con em trong gia đình ở tuổi học đường đều phải đến trường đi học, học không lưu ban và không bỏ học. Người lớn tuổi trong gia đình đều phải có nội dung, kế hoạch học tập phù hợp, học có kết quả để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, chất lượng cuộc sống. Các thành viên trong gia đình học tập tích cực tham gia công tác khuyến học cộng đồng và xây dựng gia đình hòa thuận, văn hóa.
Truyền thống hiếu học từ nghìn xưa của dân tộc vẫn chảy trong mạch ngầm của mỗi gia đình nay đã gặp được chủ trương đúng, trở thành dòng chảy mạnh - xây dựng gia đình hiếu học ở tất cả các địa bàn trong cả nước. Từ đồng bằng, đô thị đến miền núi, ở đâu cũng bắt gặp những gia đình hiếu học với muôn vàn cách tổ chức, nuôi dưỡng, khuyến học sinh động. Mỗi vùng, mỗi miền, các tỉnh, thành phố tùy hoàn cảnh, điều kiện sống, tùy phong tục, tập quán, hội khuyến học chủ động, tích cực, triển khai cuộc vận động với nhiều cách làm đa dạng, phong phú, tạo ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Sau khi triển khai vận động, cả nước có con số hàng triệu gia đình đăng ký trở thành "Gia đình hiếu học", trong đó hàng trăm nghìn gia đình được công nhận.
Các gia đình hiếu học không chỉ là những mô hình, những tấm gương khuyến học từ cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, mà thật sự còn là cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, phẩm cách cho nhiều thế hệ trẻ tuổi. Gia đình hiếu học còn là nhân tố không thể thiếu gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội, tạo nên những sản phẩm giáo dục có chất lượng, hỗ trợ thiết thực các công cuộc phổ cập giáo dục ở địa phương, thúc đẩy các phương thức học tập phát triển, góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, cộng đồng dân cư an ninh và văn hóa. Sự phát triển của Gia đình hiếu học là hiện tượng giáo dục đặc sắc trong đời sống xã hội, tạo nên tiến trình xây dựng xã hội học tập. Thông qua cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học", vị thế của Hội Khuyến học ở các cấp cũng được khẳng định, nâng cao hơn, gắn kết niềm tin và thúc đẩy các hoạt động của hội đi vào nền nếp, có chiều sâu, vì sự nghiệp " Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập ".
Hướng tới một "xã hội học tập", việc thực hiện cuộc vận động "Gia đình hiếu học" phải được triển khai rộng khắp tới tận thôn, xóm, buôn, làng, Trường học, trong các cơ quan, doanh nghiệp... Các chi hội khuyến học là hạt nhân của cuộc vận động, cần phát triển mạnh hơn nữa ở cơ sở, phát triển đến đâu triển khai cuộc vận động đến đó, phấn đấu trong những năm tới cả nước có hàng triệu gia đình được công nhận là "Gia đình hiếu học", hàng nghìn dòng họ trở thành "Dòng họ khuyến học". Tạo cơ hội để mỗi gia đình phấn đấu trở thành "Gia đình hiếu học", Hội Khuyến học các cấp cần phát triển các hình thức học tập trong cộng đồng trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ hoạt động của của các trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng cơ chế quản lý hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Mặc dù trong quy chế tạm thời của Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa xác định rõ vai trò của Hội Khuyến học trong việc tham gia xây dựng và phát triển Trung tâm Học tập cộng đồng nhưng với tinh thần trách nhiệm Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, trong đó Trung tâm Học tập cộng đồng có vai trò nòng cốt nên các Hội Khuyến học đều đã phối hợp với ngành Giáo dục tiếp tục củng cố và phát triển các Trung tâm ở những địa bàn có nhu cầu và điều kiện.
Việc xây dựng "Gia đình hiếu học" cần gắn kết với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm, làm cho việc học có giá trị và biến thành hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Cuộc vận động Gia đình hiếu học cần được gắn kết và lồng ghép về tiêu chí với các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làm kinh tế giỏi... để các cuộc vận động thật sự đi vào đời sống, nâng cao nhận thức từ mỗi gia đình, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng giàu mạnh, dân trí cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.