Chông gai đường đến giảng đường của chàng sinh viên khuyết tật

Thứ tư - 29/02/2012 03:01
Lên 8 tuổi, căn bệnh đau khớp đã cướp đi đôi chân lành lặn của cậu học trò nhỏ. Nhưng với nghị lực phi thường, em đã vượt qua nỗi đau bệnh tật, mọi tự ti, mặc cảm… để vẽ lên câu chuyện cổ tích giữa đời thường khi thi đậu vào giảng đường đại học. Chàng sinh viên khuyết tật giàu nghị lực đó là Trần Văn Trường, SV năm 1, lớp Kế toán K53, khoa Kinh tế, Trường ĐH Quảng Bình.
 Tuổi thơ bất hạnh 
 Gặp chúng tôi trong căn phòng ký túc xã chật chội chưa đầy 4m2, Trường đã bộc bạch về tuổi thơ và cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Trường sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở thôn Tam Hương, xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Tuổi thơ của em là chuỗi ngày dài bất hạnh. Sinh ra Trường đã không biết bố mình là ai, những tháng ngày thơ dại em sống trong tình yêu thương đùm bọc của mẹ và ông bà ngoại. Năm lên 8 tuổi, mẹ em lại tìm hạnh phúc bên một người đàn ông khác. 
 Từ đó, Trường phải chuyển về ở với ông bà ngoại. Một thời gian sau, Trường bị bệnh khớp đầu gối nhưng vì nhà nghèo không đủ tiền chữa trị nên bệnh tật đã biến em thành một người tật nguyền, phải ngồi trên chiếc xe lăn. Bệnh tật hành hạ khiến con đường đến trường của em đầy trắc trở, gian truân. Không được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa, có lúc Trường đã tuyệt vọng, buồn chán đến cùng cực. Nhưng bằng nghị lực phi thường và niềm khát khao với con chữ, Trường đã vượt qua nỗi đau bệnh tật để đến lớp. Giữa muôn vàn gian khổ, khó khăn ấy, Trường càng cố gắng phấn đấu để đạt thành tích cao trong học tập. Trong suốt 9 năm liền, em đều là học sinh giỏi của trường. Năm lớp 5, Trường còn ẵm giải nhì học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh. 
 Cứ tưởng rằng, sự khốn khổ đã đeo bám đủ với mảnh đời bất hạnh ấy rồi nhưng nghiệt ngã thay, năm Trường đang học lớp 9, ông bà ngoại tuổi cao sức yếu đã lần lượt bỏ em ra đi. Từ đó, em thui thủi cô độc trong căn nhà nhỏ hiu hắt. Hàng ngày, Trường phải tự lo từ cái ăn đến chuyện học hành và nuôi hoài bão lớn cho tương lai. Vì thương con, dù mẹ Trường đã đi thêm bước nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm và lo cho em ăn học. “Nhiều lúc em nghĩ mình sẽ không còn đủ sức và lực để theo học, nuôi ước mơ, hoài bão cho tương lai. Nhưng những lần tưởng chừng như gục ngã ấy thì mẹ đã đến và động viên em. Những lời động viên của mẹ như tiếp thêm nghị lực cho em phấn đấu trong học tập”, Trường ngân ngấn nước mắt nhớ lại. 
  Chông gai trên ghế giảng đường
  Dù cuộc sống gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng ba năm học cấp 3, cậu học trò nghèo khuyết tật luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Nhờ thành tích học tập đáng nể phục ấy nên trong kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2011, Trường đã trúng tuyển vào lớp Kế toán, khoa Kinh tế, Trường ĐH Quảng Bình. Niềm vui đỗ đạt cười chưa tròn tiếng sau bao năm phấn đấu thì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền cho 4 năm ăn học đại học đã hiện rõ trước mắt em. Ngày nhập học, Trường một mình khăn gói lên thành phố với chiếc xe lăn, cái ba lô và vài bộ quần áo sờn bạc cùng số tiền ít ỏi mà mẹ tích cóp được từ con gà, nắm rau. Cuộc sống sinh viên của em giờ đây vô cùng vất vả, thiếu thốn. Mỗi tháng Trường chỉ sống bằng số tiền dăm bảy trăm ngàn mà mẹ em chắt bóp ở quê gửi lên. Với số tiền ít ỏi ấy trong thời bão giá hiện nay, Trường phải rất khó khăn trong việc chắt bóp chi tiêu hàng ngày. Ngoài việc mua sách vở, trả tiền phòng và ăn ngày hai bữa cơm sinh viên, Trường cho biết, em chẳng dám đi chơi hay ăn quà vặt, kể cả ăn sáng em cũng phải nhịn mới đủ trả tiền phòng. Những ngày tháng Trường theo học ở thành phố cũng thật lắm gian nan. 
 Đôi chân tật nguyền khiến em không thể đi lại dễ dàng như chúng bạn, em phải ngồi trên chiếc xe lăn mới đến được lớp học. Những lúc đau ốm, Trường phải nhờ đến bạn bè em mới đi được. Điều đặc biệt ở chàng trai tật nguyền luôn được các bạn trong lớp yêu mến và nể phục là em có một nghị lực phi thường và luôn đạt kết quả cao trong học tập, môn nào em cũng đạt điểm khá giỏi. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thu Ngọc, giáo viên chủ nhiệm cảm kích: "Trường là một sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Gia đình khó khăn, lại bị tàn tật nhưng em luôn cố gắng vượt lên số phận để đạt thành tích cao trong học tập. 
 Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các của lớp, của trường". Khi hỏi về ước mơ, Trường tâm sự: "Em chỉ mong học xong ra trường có một việc làm ổn định để sau này có điều kiện nuôi mẹ lúc về già. Suốt cuộc đời mẹ đã quá khổ cực cũng vì nuôi em ăn học. Cứ nghĩ đến cảnh mẹ vất vả mưu sinh để nuôi em từ cái ăn đến chuyện học hành là em lại không cầm được nước mắt". 

Đặng Tài – Mai Vương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay369
  • Tháng hiện tại4,715
  • Tổng lượt truy cập614,546
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây