Trung tâm học tập cộng đồng đôi điều ghi nhận

Thứ hai - 27/06/2011 04:22
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về phương hướng phát triển giáo dục đào tạo "đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước thành xã hội học tập (XHHT)".
Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình tổ chức học tập mới để xây dựng XHHT, là một thiết chế giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường, thị trấn, tạo cơ hội cho mọi người dân trong cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển nguồn nhân lực cộng đồng, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu học tập theo phương châm "cần gì học nấy", học thường xuyên, học suốt đời, vai trò, lợi ích của các TTHTCĐ về lý thuyết đã rõ nhưng chưa có thực tiễn nên chưa có sức thuyết phục đối với cán bộ và nhân dân. Từ nhận thức đó tháng 2/2002 Hội Khuyến học tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép Hội Khuyến học làm thí điểm xây dựng TTHTCĐ ở xã Mai Thủy huyện Lệ Thủy. Sau một năm sơ kết, Thường vụ Tỉnh hội tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/2003/CT-UB "về triển khai thành lập TTHTCĐ xã, phường, thị trấn". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội Khuyến học các cấp tổ chức triển khai thực hiện. Ngày 13/12/2005, Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 40CT/TU về "Tăng cường xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh công tác khuyến học, phát triển toàn dân học tập nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương".
Hội đồng nhân dân Tỉnh có quyết định thực hiện xã hội hoá giáo dục, xây dựng XHHT và quyết định cấp kinh phí ban đầu tám triệu đồng cho các TTHTCĐ mua sắm trang thiết bị ban đầu (chủ yếu là phương tiện nghe, nhìn).
Có thể nói đó là những thuận lợi cơ bản để Hội Khuyến học các cấp phối hợp với Chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo cùng cấp triển khai xây dựng các TTHTCĐ trong phạm vi toàn tỉnh, phát triển cả hình thức lẫn nội dung:
Qua 9 năm xây dựng toàn tỉnh đã có 158/159 xã, phường, thị trấn thành lập TTHTCĐ đạt 99,3%, trong đó có 26 xã vùng cao, 31 xã miền núi, 27 xã vùng biển. Vì lợi ích của TTHTCĐ Hội Khuyến học tỉnh nhận thấy ở thôn, bản, tiểu khu nhà văn hóa thường để trống, năm 2009 Thường vụ Tỉnh hội chỉ đạo Hội Khuyến học thành phố Đồng Hới xây dựng thí điểm câu lạc bộ học tập cộng đồng (CLBHTCĐ) tiểu khu sau 1 năm hoạt động thấy bộ gọn nhẹ, nội dung thiết thực, không tốn kém kinh phí, tổ chức sinh hoạt đều, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, ban chấp hành Tỉnh hội quyết định nhân rộng mô hình này. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 195 CLBHTCĐ, đa số hoạt động tốt.
Về kết quả mở lớp: chín năm qua các TTHTCĐ đã mở được trên 85.000 lớp thu hút trên 677.700 lượt người tham gia. Trong đó đáng chú ý là đã mở được 1.510 lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ cho 4.350 người. Dạy bổ túc văn hóa (TH, THCS, THPT) được 6.021 lớp cho 52.947 học viên và trên 20.000 các lớp chuyển giao kỹ thuật công nghệ sản xuất, tổ chức học nghề cho nông dân, thợ thủ công, tổ chức, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, học ngoại ngữ, tin học, văn hoá, văn nghệ cho trên 720.000 lượt người tham gia.
Điểm mới, sáng tạo của các TTHTCĐ là biết tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị để lồng ghép các chương trình dự án, một số trung tâm không chỉ đủ bù đắp mà còn tích lũy để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như TTHTCĐ xã Bảo Ninh, Đồng Hới, TTHTCĐ xã Quảng Kim, Quảng Trạch, TTHTCĐ xã Mai Thủy, Lệ Thủy.
Sau đây xin được nêu một trong các mô hình tiêu biểu đó là TTHTCĐ xã Bảo Ninh- TP Đồng Hới qua gần 8 năm xây dựng TTHTCĐ xã đã chủ động liên kết với Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến ngư Tỉnh mở 12 lớp tập huấn về nuôi tôm, nuôi cá, kỹ thuật sử dụng lưới vây chì, dạ cào, tìm hiểu quy định về luật đánh cá chung trên biển; phối hợp với Đồn Biên phòng 196 Nhật Lệ mở 3 lớp với 380 ngư dân tham gia học tập về quy định của nhà nước khi ra vào cửa lạch, bảo vệ an ninh trên biển; hàng tháng, hàng quý đều có các buổi phổ biến kiến thức về luật pháp, học tập các Bộ luật sửa đổi, trợ giúp pháp lý, phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân mở nhiều lớp tập huấn cho những người lao động chế biến hải sản, nuôi cá nước lợ, bình quân mỗi năm TTHTCĐ xã mở từ 15- 17 lớp tập huấn. Đây là một hoạt động thường xuyên và bổ ích, mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng dân cư... cũng trong các năm từ 2006- 2008, được sự đồng ý của Sở Giao thông vận tải, TTHTCĐ xã đã mở được 19 lớp học luật giao thông đường bộ cho hơn 1.300 người dân học tập và cơ quan chức năng đã cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho các học viên tham gia.
Từ sự năng động, nhiệt tình của cán bộ TTHTCĐ, cùng với sự ủng hộ của người dân trên địa bàn, những năm qua, nguồn kinh phí không những đủ chi phí cho các lớp tập huấn mà còn xây dựng được một nguồn quỹ để tặng học bổng và thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với trị giá trên 3 triệu đồng; hỗ trợ trên 10 triệu đồng cho Hội Nông dân, Đoàn TNCSHCM, Hội Khuyến học trong quá trình hoạt động; tặng trường THCS Bảo Ninh 1 vi tính, ... hiện nay nguồn quỹ của Trung tâm còn 30 triệu đồng, dù số tiền không lớn nhưng với những gì TTHTCĐ xã Bảo Ninh đã làm được cũng đủ nói lên sức hút và uy tín mà Trung tâm đã tạo dựng được cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trên địa bàn đối với những thành quả mà Trung tâm mang lại trong thời gian qua.
Tuy nhiên, số TTHTCĐ hoạt động tốt như Bảo Ninh chưa nhiều, trong quá trình thực hiện khó khăn nhất là khâu giải quyết nhận thức trong đội ngũ cán bộ về nội dung và phương thức hoạt động, các TTHTCĐ hoạt động trong điều kiện:
- Không có nội dung, chương trình, tài liệu học tập.
- Không có kinh phí, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo hoạt động.
- Không có cơ quan cấp trên chỉ đạo trực tiếp
- Không có cán bộ chuyên trách của Trung tâm, không có chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý, ...
Từ những khó khăn trên, số TTHTCĐ hoạt động tốt, có hiệu quả chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 20%), Trung tâm hoạt động thiếu thường xuyên, kém hiệu quả chiếm khoảng 50% trên tổng số các TTHTCĐ hiện có trong toàn tỉnh.
Trung tâm học tập cộng đồng một thiết chế giáo dục mới còn nhiều tồn tại, bất cập, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, nhưng những kết quả đã đạt được có thể khẳng định sức sống của Trung tâm trong yêu cầu phát triển hiện nay. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể các cấp trong tỉnh, tiếp tục đổi mới và phát triển trung tâm sang một thời kỳ mới, mở rộng quy mô, đáp ứng hầu hết các yêu cầu "cần gì học nấy" của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập sớm trở thành hiện thực trên địa bàn Quảng Bình.
 
Phạm Thị Bích Lựa ( Uỷ viên TW HKHNV, Chủ tịch Tỉnh hội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay259
  • Tháng hiện tại12,121
  • Tổng lượt truy cập660,413
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây