Đó là đánh giá của ông Trần Xuân Nhĩ - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại hội thảo “Trung tâm học tập cộng đồng, những mô hình phát triển bền vững”. Hội thảo do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 25-26/5 với sự tham gia của đại diện các Hội Khuyến học của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ…
Hội nghị bàn về hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng khu vực ĐBSCL tổ chức ở Cần Thơ.Tại hội thảo, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh việc hình thành các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã là vô cùng quan trọng. Các TTHTCĐ này sẽ đóng vai trò nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Ông Nhĩ cho biết, TTHTCĐ một phần tập trung vào “việc học” cho người lớn để từ đó họ mới nhận thức được tầm quan trọng chuyện học để mà khuyến khích con em mình đến trường.
Từ khi các TTHTCĐ đi vào hoạt động, các trung tâm đã góp phần củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi; các trung tâm giúp người dân nâng cao nhận thức về hiến pháp và pháp luật; góp phần giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng chất lượng cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng qua việc truyền nghề và dạy nghề ngắn hạn; góp phần thúc đẩy việc thực hiện toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư…
Có nhiều trung tâm đã thành lập cả tiểu ban để phân công nhiệm vụ rõ ràng xuất phát từ nguyện vọng của người dân địa phương mong muốn được trang bị nhiều kiến thức về tất cả các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, văn hóa văn nghệ, ngoại ngữ, tin học…
Tuy các TTHTCĐ đạt được nhiều thành quả nhất định, nhưng đa số đại biểu dự hội nghị đều có chung quan điểm là vẫn còn vướng phải những khó khăn nhất định. Các đại biểu cho rằng biên chế nhân sự ở các TTHTCĐ còn thiếu và yếu hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoạt động. Nhiều cán bộ các Hội cơ sở còn kiêm nhiệm nên chưa phát huy hết vai trò chức năng. Ngoài ra, một số đoàn thể còn xem nhẹ, thiếu quan tâm hỗ trợ đến công tác khuyến học.
Thêm cái khó khăn nữa chính là tài chính. Hầu hết các giám đốc TTHTCĐ đều cho biết kinh phí là điều cản trở cho việc duy trì hiệu quả của các trung tâm; thiếu kinh phí nên thiếu chế độ chính sách đối với cán bộ, quản lý.
Ông Phạm Thanh Phong - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An kiêm phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết thống kê hiện nay chỉ có khoảng 30% TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, còn lại chỉ làm từng vụ thụ động khi có yêu cầu hoặc không hoạt động nên số lượng người dân đến học tập tại trung tâm chiếm tỷ lệ thấp.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nhận thức của người dân về TTHTCĐ còn thấp, ngay cả còn nhiều cấp lãnh đạo vẫn chưa mặn mà. Chính vì thế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu và rộng vào quần chúng nhân dân để làm sao cho họ nhận thấy được tầm quan trọng của nơi “cộng đồng học, tìm kiến thức”.
“Đối với bộ lãnh đạo thì các TTHTCĐ cần phải có những người nhiệt tình, nhiệt huyết với công tác khuyến học thì mới phát huy được hiệu quả của nó”- ông Nhĩ khẳng định. Bên cạnh đó, TTHTCĐ chưa hiệu quả là vì nhiều nơi còn hoạt động riêng lẻ, không phát huy được các chương trình, đề án hoạt động. Chính vì thế, cần có sự liên kết giữa các ban ngành, các trung tâm khác như văn hóa, thư viện, công nghệ, nông nghiệp… để tạo sức mạnh có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực đời sống người dân.
Thêm nữa, tài chính khó khăn thì hiệu quả của các TTHTCĐ còn thấp là điều khó tránh khỏi. Ông Nhĩ cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại nguồn kinh phí để có thể cấp cho các TTHTCĐ.
Nguy?n Th? H�ng
Những tin mới hơn