Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một mô hình giáo dục mới đã được triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 1998 và phát triển nhanh chóng, rộng khắp từ năm 2000. Đến thời điểm này cả nước đã có gần 11.000 TTHTCĐ, chiếm 98,77% xã, phường, thị trấn trong cả nước (trong đó, 53 tỉnh, thành phố có TTHTCĐ tại 100% xã, phường, thị trấn). Đây là sự phát triển nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử giáo dục thường xuyên. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học đã có nhiều nỗ lực duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình giáo dục mới này; với mục tiêu là không ngừng nâng cao dân trí, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện tại hoạt động của các TTHTCĐ vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt trước yêu cầu của xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Vì vậy, tại hội thảo các tham luận của đại biểu đã tập trung vào vấn đề đánh giá thực trạng hoạt động tại các TTHTCĐ của các địa phương, để cùng nhau tìm ra những giải pháp thiết thực nhất, tích cực nhất nhằm tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng của TTHTCĐ, coi đây như là công cụ thiết yếu để tất cả mọi người được giáo dục suốt đời, mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mỗi công dân đều được học tập suốt đời.”
Nội Hà