“Cõng” chữ lội qua sông Một ngày đầu đông, khi tiết trời bắt đầu giá lạnh, sương mù giăng kín trên đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi lại lên với bản K Óoc (Trọng Hóa, Minh Hóa). Khoảng 6 giờ 30 phút, tôi có mặt tại khe Dọi (thượng nguồn sông Gianh). Nơi đó, có 5 thầy cô giáo của Trường tiểu học Ra Mai đang chuẩn bị để lội qua khe nước sâu đến lớp. Sợ tôi không quen lội nước, thầy giáo Đinh Xuân Hải nói: “Chắc chú không lội nổi đâu, nước ở đó khá sâu và lạnh lắm!”. Tôi đùa lại: “Anh trông tôi yếu ớt lắm sao. Thầy cô lội được, tôi cũng lội được”. Vậy rồi chúng tôi nắm chặt tay dìu nhau vượt khe nước. Qua cơn mưa rừng hôm trước, nước khe lên sâu khoảng 1 m, rộng chừng 30m và chảy xiết hơn. Thương cho 2 cô giáo trẻ đang mang bầu cũng phải lội qua để cắm bản gieo chữ. Ở bên kia khe, 53 học sinh của điểm trường đang đứng nối dài mong chờ thầy cô đến. Khoảng 15 phút vận lộn với dòng nước, chúng tôi cũng đến được bờ bên kia. Điểm trường K Óoc nằm ngay bên bờ khe Dọi được đầu tư xây dựng khá khang trang. Nhưng chỗ ở của thầy cô giáo thì còn tạm bợ hết sức. Ba thầy giáo phải ở trong một ngôi nhà lá thấp lè tè chật chội. Thầy Hải tâm sự: “Cuộc sống của chúng tôi vất vả quen rồi. Được cái là anh, chị em ở đây yêu nghề, yêu trò và quyết tâm bám bản gieo cái chữ cho con em vùng cao”. Thầy Đinh Dương Vương nói tiếp: “Trong đợt lũ tháng 10 vừa qua, nước khe Dọi lên cao nên chúng tôi bị cô lập dài ngày. Trong khi đó, gạo và thức ăn đã hết. May mà có dân bản và học sinh ở đây cưu mang giúp đỡ”. Anh Hồ Thun- một người dân nói: “Dân bản miềng quý các thầy cô giáo lắm. Họ không chỉ tốt với con em chúng tôi mà còn dạy cho chúng tôi cách làm ăn, chăm sóc con cái nữa”... Băng rừng đến lớp Thầy Đinh Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ra Mai cho biết: “Điểm trường K Óoc có 53 học sinh. Nhưng chỉ có 12 em ở xóm Dừa là gần trường. Còn phần lớn đều sống cùng gia đình trên đỉnh núi K Óoc. Muốn đến lớp học, các em phải băng rừng, lội suối đi bộ khoảng 5km mới đến nơi”. Hôm chúng tôi đến K Óoc, trời lại đổ mưa. Con đường lên bản trở nên trơn trượt và lầy lội hơn những hôm trước. Thế nhưng 36 em học sinh ở trên đỉnh núi K Óoc vẫn tích cực đến trường. Em Hồ Thị Cúc, học sinh lớp 3A3 nói: “Đường đến lớp của chúng cháu vất vả lắm. Ngày nào cũng phải trèo đèo, lội suối. Trời nắng thì mồ hôi nhễ nhại. Trời mưa thì đường trơn đôi khi bị ngã ướt dầm dề. Nhưng vì muốn được học cái chữ để sau này làm cô giáo nên cháu phải cố gắng thôi”. Nói xong, Cúc tiếp tục cặm cụi bước đi. Phía sau có vài em học sinh thỉnh thoảng té ngã, quần áo dơ bẩn nhưng vẫn tiếp tục vật lộn với con đường gian khổ. Theo các em lên tới đỉnh K Óoc, chúng tôi phải đi bộ khoảng một giờ đồng hồ trên con đường khó nhọc qua cánh rừng già với những đoạn dốc cao dựng đứng. Trên con đường đó, không chỉ có học sinh cấp 1 qua lại mà còn có những cháu đang học mầm non, học sinh cấp 2 hay những người dân cũng phải qua lại con đường này. Cô Đinh Thị Hòa, giáo viên tại điểm trường tâm sự: “Dù có khó khăn đến mấy, nhưng chúng tôi vẫn vui vì các em học sinh nơi đây rất chăm chỉ học tập”. Trưởng bản Hồ Ca nói: “Bản K Oóc có 37 hộ dân với 194 nhân khẩu. Dân bản chúng tôi vẫn sống trong cảnh “ba không” (không đường, không điện, không trạm y tế). Tất cả các hộ đều thuộc diện hộ nghèo nên việc con cái đến lớp đều thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng vẫn chăm chỉ học hành”. Năm học trước, điểm trường có 54 học sinh thì có 29 em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Để có được kết quả đó, những người gieo chữ nơi đây phải “bốn cùng” với dân bản và học sinh (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng học nói tiếng dân tộc). Có như thế, dân bản, học sinh mới tin, mới yêu quý thầy cô và quyết tâm theo học con chữ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn