Gian nan đường đến lớp
Trung úy Hồ Đui sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em ở bản Y Leeng, xã Dân Hóa (Minh Hóa). Thế nhưng, Hồ Đui vẫn buổi theo chân cha mẹ lên rẫy, buổi cắp sách tới trường. Trong ba năm đầu cấp, anh được học ở trường gần nhà. Lên lớp 4, nhiều bạn bè trong bản bỏ học thì anh với mội số ít bạn bè cùng trang lứa về trường dân tộc nội trú huyện học tiếp. Từ bản Y Leeng về Quy Đạt cũng gần 60 km nhưng anh phải đi bộ mất 2 ngày vì không có xe khách hay xe ôm. Để đến trường học, anh cùng 5 người bạn phải đi ngược lên bản Hà Vi qua ngọn núi Ông Lắc mất một ngày mới đến xã Hóa Sơn. Tại đây, các anh phải ngủ lại nhà dân một đêm. Sáng hôm sau, Hồ Đui và những người bạn dậy từ mờ sáng, ăn tạm củ sắn, vượt qua eo Lập Cập đến xã Hóa Hợp rồi tiếp tục băng qua dốc Ải, ra xã Xuân Hóa, đến được trường thì trời tối.
Suối ba năm ròng rã, cậu bé Hồ Đui và những người bạn cùng trang lứa với đôi chân trần rong ruổi trên con đường mòn quen thuộc từ núi rừng này qua núi rừng khác để đến trường. Học xong lớp 6, Hồ Đui nuôi dưỡng ước mơ trở thành người chiến sỹ biên phòng khi anh tiếp tục vào Trường dân tộc nội trú tỉnh học. Trong thời gian này, anh cùng chúng bạn cuốc bộ từ Dân Hóa theo đường mòn 12 về bản Rôông, đến Khe Ve xã Hóa Thanh rồi đi theo đường Hồ Chí Minh về xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đến ga Tân Ấp đón tàu chợ vào Đồng Hới. Sau nhiều năm cố gắng đèn sách, chàng trai người Khùa cũng đã có được tấm bằng “Tú tài”. Với anh, đây là một tài sản rất lớn, bởi người Khùa thời điểm đó rất hiếm người học đến lớp 12 được như anh. Khoảng 3 tháng sau khi tốt nghiệp, Hồ Đui được cử đi học hệ trung cấp Biên phòng tại Học viện Biên phòng. Học 2 năm, anh tốt nghiệp ra trường và về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ra Mai.
Xóa mù nơi bản Lòm
Trước năm 2005, bản Lòm (nay được tách ra thành 3 bản) còn rất hoang vu. Đó là nơi sinh sống của tộc người Khùa và người Mày. Dân bản nơi đây quanh năm sống trong cảnh "bốn không" (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế). Đa số họ đều mù chữ, cuộc sống hết sức nghèo nàn và lạc hậu. Muốn ra tới trung tâm xã phải cắt rừng đi bộ gần 30 km, mất hết cả một ngày đường. Nhiều thế hệ nơi đây chưa bao giờ biết đến học hành là gì.
Năm 2005, Đồn Biên phòng Ra Mai khảo sát thực tế, vận động nhân dân độ tuổi từ 15 đến 35 thuộc vùng Lòm tham gia học xóa mù chữ. Đồn ký kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa mở 6 lớp học dạy chữ cho đồng bào. Cán bộ trong đồn đã quyên góp được số tiền 10 triệu đồng để làm phòng học, mua sách vở, bút mực cho các học viên. Ngày đó, đơn vị giao nhiệm vụ cho đại úy Hồ Ngói và trung úy Hồ Đui trong đội vận động quần chúng phụ trách việc dạy học xóa mù chữ cho bà con. Vì hai cán bộ này là người dân bản địa nên rất thông thạo địa hình và phong tục tập quán. Tháng năm trôi qua, Hồ Đui cùng đồng đội cơm đùm gạo bới vào Lòm cắm bản dạy học cho bà con. Có khi mưa cả tháng trời các anh không về được phải ở lại đó ăn củ sắn, củ mài với dân bản.
Trung úy Hồ Đui nhớ lại: "Ngày đó, chúng tôi rất khó khăn trong việc vận động dân bản đến lớp. Vì nhiều người đã lớn tuổi nên ngại học. Nhưng rồi, chúng tôi phối hợp với già làng, trưởng bản đến từng nhà vận động, giải thích cho bà con thấy được tầm quan trọng của việc học chữ Bác Hồ, bà con mới chịu nghe". Khi ý bộ đội hợp lòng dân bản, họ cùng với thầy giáo lên rừng chặt gỗ, chặt lá về dựng lớp. Qua gần nửa tháng, sáu phòng học tạm bợ được dựng lên giữa núi rừng Trường Sơn. Cũng từ đó cả bản Lòm như vui hơn, tiếng đọc bài rộn vang cả bản làng. Anh Hồ Biên, một học trò của thầy Đui, nay đã làm trưởng bản Lòm kể: “Lớp học ngày đó vui lắm! Chúng tôi buổi đi học, buổi lên rẫy. Tối đến là nhà nào nhà nấy chong đèn học bài. Cái gì không biết thì hỏi thêm thầy Đui”.
Trung úy Hồ Đui nói tiếp: "Để đạt được kết quả cao trong việc dạy học, chúng tôi phải soạn giáo án cho phù hợp với điều kiện thực tế của học viên. Trong quá trình dạy, vừa sử dụng tiếng phổ thông, vừa sử dụng tiếng đia phương, học viên mới dễ hiểu". Ở trên lớp, người cán bộ biên phòng này là thầy, nhưng hết giờ học, anh với dân bản là anh em ruột thịt, là người một nhà. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sống với nhau nên tình cảm quân dân luôn được thắt chặt, gắn bó. Ông Hồ Păn, Trung đội trưởng dân quân bản Tà Vờng - Tà Dong cũng từng là học trò của thầy Đui nói: "Dân bản mình rất quý thầy Đui lắm! Thầy không chỉ dạy chữ cho dân bản mà còn dạy cách làm ăn, nuôi dạy con cái, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nữa"... Gần 4 năm thực hiện, chương trình xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Ra Mai đã dạy cho 181 học viên.
Qua kiểm tra, tất cả 100% học viên đạt yêu cầu, hoàn thành cả 3 mức. Ngoài ra còn có nhiều em nhỏ không nằm trong nhóm đối tượng nhưng tham gia lớp học cũng đã biết đọc, biết viết. Giờ đây, bản Lòm - mảnh đất xa xôi phía Tây của Tổ quốc đang đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước. Nhờ học được chữ Bác Hồ từ thầy Đui nên nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Cái đói, cái nghèo đang giảm dần. Bản Lòm có đường giao thông về tận vùng dân cư, nhiều điểm trường mới thuộc Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa đã được mọc lên. Các phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào đang dần được xóa bỏ. Để đạt được điều đó có sự đóng góp rất lớn của người thầy giáo đeo quân hàm xanh hết lòng tận tụy.
Xuân Vương