Nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng: Hướng tới xây dựng xã hội học tập

Thứ hai - 22/12/2014 20:09

Nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng: Hướng tới xây dựng xã hội học tập

Theo Luật Giáo dục năm 2005 thì Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, được tổ chức tại xã, phường, thị trấn; là cơ sở giáo dục của dân, do dân, vì dân, do nhân dân địa phương quản lý, được thành lập bởi nhu cầu của mọi người trong cộng đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm cung ứng các cơ hội học tập khác nhau cho phát triển cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh ta đã quan tâm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển TTHTCĐ xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2001-2005 và đến năm 2010” và đạt được những kết quả đáng khích lệ.



 Với sự nỗ lực và chủ động của các cấp quản lý giáo dục, cùng sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khuyến học các cấp, hệ thống TTHTCĐ đã phát triển khá nhanh. Nếu cuối năm 2002, cả tỉnh chỉ có 1 TTHTCĐ xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy thì đến tháng 10-2006, toàn tỉnh đã thành lập được 143 TTHTCĐ và đến cuối năm 2009 đã có 159/159 xã, phường, thị trấn thành lập TTHTCĐ (trong đó, có 65 xã vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc; 16 xã, phường ở thành phố và 78 xã vùng đồng bằng) và để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nên đã phát triển thêm được 428 câu lạc bộ học tập cộng đồng các thôn, bản, tổ dân phố. Đến nay có 102 TTHTCĐ có thư viện riêng với nhiều đầu sách phong phú; 130/159 TTHTCĐ được nối mạng internet và khai thác có hiệu quả. 
 Bằng nhiều hình thức mở lớp một cách sáng tạo, phù hợp điều kiện và nhu cầu thực tế, bình quân mỗi năm các TTHTCĐ đã mở 2.750 lớp, thu hút 165.000 lượt người tham gia. Số TTHTCĐ hoạt động thường xuyên chiếm khoảng 50-70%, có hiệu quả từ 30-40%. Không ít trung tâm có nội dung học tập phong phú, đa dạng theo phương châm “cần gì học nấy”, bao gồm: xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và trung học; phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chuyển giao kỹ thuật nông-lâm-ngư nghiệp, dạy nghề truyền thống; tin học, ngoại ngữ; câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, HIV/AISD; bồi dưỡng kiến thức về sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; đào tạo thuyền viên, trưởng, thuyền trưởng cho ngư dân vùng biển... Đặc biệt, hàng năm 100% TTHTCĐ đều tổ chức tốt “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực thu hút đông đảo người dân tham gia. Với kết quả đó, bước đầu đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người mới, gia đình văn hóa, làng xã văn hóa và tạo điều kiện cho việc thực hiện xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập... “TTHTCĐ đã đưa lại lợi ích thiết thực cho người dân trong quá trình nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” - anh Hoàng Quốc Việt, phường Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới chia sẻ. 
 Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động TTHTCĐ vẫn còn những hạn chế nhất định, cần sự quan tâm, sẻ chia của các cấp, các ngành. Đó là, nội dung và hình thức hoạt động của không ít các TTHTCĐ còn đơn điệu, nghèo nàn, năng lực quản lý, điều hành chưa thật sự nề nếp khoa học, phương pháp tổ chức học cho người lớn chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn, nên tỷ lệ người đến học tại các TTHTCĐ còn ít (khoảng 20%). Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đến TTHTCĐ nhưng chưa đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra, đến nay chưa có nghị quyết, kế hoạch hoặc chỉ tiêu cụ thể, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu. Ban giám đốc TTHTCĐ là kiêm nhiệm, không chuyên sâu nên không có thời gian đầu tư có các nội dung hoạt động của TTHTCĐ; chưa thật sự năng động trong việc tìm tòi và suy nghĩ để khai thác mở các lớp bồi dưỡng nhằm làm phong phú thêm các hoạt động của TTHTCĐ, nhiều địa phương còn có hiện tượng thả nổi. Kết quả hoạt động của các trung tâm chưa được đánh giá đúng mức hay biểu dương khen thưởng kịp thời nên thiếu động lực để các trung tâm phát triển và hoạt động đúng với vai trò của mình. Mặt khác, kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ đang là một khó khăn lớn, vì vậy làm hạn chế đến chất lượng và hiệu quả hoạt động; hầu hết các xã, phường còn nghèo, nên việc đầu tư cho các TTHTCĐ còn rất hạn chế, thiếu cơ sở vật chất cũng như tài liệu học tập... 
 Ông Trần Đình Nhân, Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: Thời gian qua ngành Giáo dục đã phối hợp với Hội Khuyến học tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp có biện pháp hỗ trợ tích cực cho các TTHTCĐ phát triển bền vững và coi TTHTCĐ là trường học của nhân dân, là công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quan điểm học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh học tập trong nhân dân bằng các hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành xã hội học tập”, “chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”... nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; đặc biệt là Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Thủ tướng Chính phủ.
 Nội Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay613
  • Tháng hiện tại1,215
  • Tổng lượt truy cập649,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây