Cuộc vận động thành lập Hội Khuyến học Việt Nam Đầu năm 1995, trước yêu cầu chấn hưng nền giáo dục, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục tư tưởng đạo đức yếu kém và lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một bộ phận học sinh, sinh viên mờ nhạt, số học sinh phổ thông chán học và bỏ học ngày càng nhiều, số người mù chữ tăng lên…, Đảng chủ trương “Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng nền giáo dục dưới sự quản lý của Nhà nước…”.
Từ đó, ý tưởng về việc thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ các hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục học đường, vận động người dân đi học để nâng cao dân trí, phát triển sản xuất… đã chín muồi. Ban vận động thành lập một Hội có chức năng hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục đã hình thành và hoạt động: Gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam, tiến hành các hoạt động khác để hoàn thiện hồ sơ thành lập Hội và kế hoạch tổ chức Đại hội thành lập Hội; thống nhất với 3 chức năng cơ bản của Hội:
* Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam không kể giàu nghèo, có quyền lợi bình đẳng trong học tập và không ngừng nâng cao kiến thức.
* Hỗ trợ giáo viên, trước hết là những cơ sở đào tạo giáo viên những điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, yên tâm với nghề, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn.
* Tư vấn về phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương. Ban Vận động thành lập Hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và khích lệ của các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự đóng góp ý kiến vào các văn kiện thành lập Hội của nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều nhà khoa học và văn hóa, nhiều cán bộ của các Bộ, Ban, Ngành.
Nhân dân tại nhiều địa phương đã sẵn sàng gia nhập Hội bởi chấn hưng và đổi mới giáo dục là nguyện vọng của mọi người, khuyến học, khuyến tài là đại nghĩa của dân tộc. Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 122/TTg, duyệt y việc thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục VN (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam). Ngày 2/10/1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt đã được long trọng tổ chức tại Hà Nội. Như vây, một tổ chức xã hội thời hiện đại đã ra mắt nhân dân để thực hiện ý tưởng “Giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục” nhằm mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, hướng đến một xã hội công bằng xã hội về giáo dục.
Hội Khuyến học Việt Nam qua các thời kỳ Đại hội:
* Đại hội lần thứ I (Nhiệm kỳ 10/1996 – 6/1999)
Ngày 2/10/1996, Đại hội lần thứ I (Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam) được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (46- Tràng Thi – Hà Nội). Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội, chương trình hoạt động Nhiệm kỳ I và cử Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa I gồm 41 người, GS.NGND Nguyễn Lân được bầu làm Chủ tịch Hội; Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội. Tại Đại hội, Đại tướng đã nhấn mạnh:“Thời đại của chúng ta là thời đại của những chuyển biến lớn lao về chính trị, xã hội, thời đại của những tiến bộ nhảy vọt về khoa học và công nghệ. Giáo dục là con đường cơ bản để phát huy tiềm lực của cộng đồng, của con người Việt Nam vốn có truyền thống hào hùng, tài năng sáng tạo, thông minh và hiếu học, biến những phẩm chất quý báu đó thành sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa lại sự phồn vinh cho đất nước và đời sống tốt đẹp cho mọi người. Sự ra đời của Hội Khuyến học – một tổ chức tự nguyện của những người tha thiết với sự nghiệp giáo dục của đất nước – là sự tiếp nối truyền thống văn hiến nghìn năm của cha ông nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học của dân tộc”.
*Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 6/1999 – 12/2005)
Ngày 16/6/1999, Đại hội II đã được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội đã thông qua Chương trình hành động của nhiệm kỳ 1999 – 2002, thông qua Điều lệ sửa đổi và bổ sung Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa II gồm 86 ủy viên, trong đó có 31 vị là ủy viên thường vụ. Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội: Đồng chí Vũ Oanh. Đại hội chủ trương đẩy mạnh các hoạt động chính:
- Nhanh chóng phát triển các tổ chức của Hội ở các địa phương nhằm tạo ra một hệ thống hoạt động của Hội trên 63 tỉnh, thành trong cả nước;
- Phát triển mạnh số hội viên tại địa bàn cơ sở xã/phường, thôn/bản…
- Liên kết, phối hợp, vận động các Ban, Ngành, đoàn thể, các tổ chức nước ngoài hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, phần thưởng cho học sinh giỏi.
*Đại hội lần thứ III (Nhiệm kỳ 1/2006 – 9/2010)
Ngày 5-6/12/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội đã được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội có 133 Ủy viên; Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội: Ông Nguyễn Mạnh Cầm. Đại hội đã đón nhận bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt với dòng chữ: HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM- KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI-XÂY DỰNG CẢ NƯỚC TRỞ THÀNH MỘT XÃ HỘI HỌC TẬP. Đại hội cũng đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Nhà nước về những hoạt động xuất sắc của Hội trong 9 năm phát triển. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng với nội dung cơ bản: “Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta, còn xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học trong cả nước, có nhiệm vụ chính trị là xây dựng học tập từ cơ sở xã, phường, thôn bản, thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
* Đại hội lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2010 - 2015)
Ngày 29/9/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội được triệu tập tại Hà Nội. Đại hội đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đại hội đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IV gồm 115 ủy viên. Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội: Ông Nguyễn Mạnh Cầm. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá cao hoạt động của Hội qua 15 năm xây dựng và phát triển: “… Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là nhiệm vụ lớn lao và cao cả của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam có vai trò quan trọng và trách nhiệm to lớn. Những kết quả đạt được của Hội Khuyến học trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, nhưng nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề”.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển của mình, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn được sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hiếm có một tổ chức xã hội non trẻ nào như Hội có được nhiều các Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của các cấp ủy và chính quyền các cấp. Nhiệm vụ chính trị của Hội đã sớm được Đảng xác định. Đảng và Nhà nước yêu cầu cao vai trò của Hội trong cuộc vận động nhân dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Do thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, sau hơn 15 năm hoạt động, Hội đã được nhà nước công nhận là một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng hội viên và các tổ chức Hội lẫn về năng lực hoạt động với những con số ấn tượng: 99, 23% cấp xã có Hội Khuyến học cơ sở;142.668 Chi Hội Khuyến học và Ban Khuyến học; 14.557.471 hội viên Hội Khuyến học, đạt tỷ lệ 1588% dân số (vượt chỉ tiêu phát triển là 5,88%); 11.038 Trung tâm HTCĐ; 8.427.421 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; 65.200 dòng họ hiếu học; 60.356 cộng đồng khuyến học; Quỹ Khuyến học tại các địa phương hơn 2.118 tỷ.
Kết thúc 20 năm hoạt động đầu tiên, Hội sẽ chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng những mô hình học tập từ cơ sở để góp phần từng bước đưa cả nước hòa nhập xã hội thông tin trên thế giới, chuyển nhanh nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và chuẩn bị điều kiện đi vào kinh tế tri thức.
KHUYẾN HỌC QUẢNG BÌNH 17 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Với truyền thống hiếu học của con người Quảng Bình và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình thành lập ngày 08/3/1999 theo Quyết định 325/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình. Hơn 17 năm xây dựng và phát triển (1999- 2016), Hội Khuyến học Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, các cấp Hội đã nhanh chóng xây dựng mạng lưới tổ chức Hội phát triển hội viên. Tính đến 30/9/2016 toàn tỉnh có 25 Hội Khuyến học trực thuộc Tỉnh hội, trong đó có 8/8 huyện, thị, thành phố. 33 Hội và Chi hội thuộc các Sở, Ban, Ngành, trường học, lực lượng vũ trang cấp tỉnh, 159/159 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn; 1.890/1.890 Chi hội Khuyến học thôn, bản, tổ dân phố; 1.463 Ban Khuyến học dòng họ, cơ quan. Số lượng hội viên phát triển mạnh đến nay toàn tỉnh có 225.741 hội viên, chiếm 26,1% dân số toàn tỉnh.
Trong công tác tham mưu, các cấp Hội luôn coi trọng và tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tỉnh Hội tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 29 CT/TU, Chỉ thị 20CT/TU thực hiện, Chỉ thị 50/CT-BCT, Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị “ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản có liên quan đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh. Hội đã liên kết, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương, Bản tin, Website của Tỉnh Hội tập trung tuyên truyền tôn chỉ, mục đích Điều lệ hoạt động Hội và các Chỉ thị, Nghị quyết, Thông tư và Quyết định của Đảng, Nhà nước, các gương điển hình tiên tiến có liên quan đến khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, học tập suốt đời. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong trường học được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả 10 hoạt động trong nhà trường với các mô hình như: “Tiếng trống khuyến học”, “Tiếng kẻng khuyến học”, “Học sinh đường phố tự quản”, “Hội Khuyến học cơ sở dự chào cờ sáng thứ hai hàng tuần với các trường”. .. Trong nhiều năm qua, Hội Khuyến học các cấp đã trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên 240.000 suất. Khen thưởng 73.500 suất cho hàng nghìn giáo viên dạy giỏi, học sinh, sinh viên học giỏi, học sinh đậu Thủ khoa đại học với tổng số tiền trên 496 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội vận động xây dựng 12 trường học kiên cố, 4 cầu dân sinh, 68 phòng máy, 02 thư viện, 25 tủ sách học đường, 1.600 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền gần 55 tỷ đồng. Hội đã phối hợp vận động gần 250 học sinh bỏ học và hàng chục ngàn học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng học hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” do TW Hội phát động.
Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã phát động phong trào quần chúng sâu rộng không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền. Bình quân hàng năm có trên 100 ngàn gia đình đăng ký, số gia đình đạt chuẩn Gia đình hiếu học chiếm trên 68%. Có 1.100 dòng họ đăng ký, số dòng họ đạt chuẩn Dòng họ hiếu học trên 69%. Có 1.000 cộng đồng đăng ký và 80% cộng đồng đạt chuẩn Cộng đồng khuyến học.Cùng với các danh hiệu trên, tại các đơn vị trong tỉnh còn xây dựng, phát triển và bình xét “Gia đình cử nhân”, “Gia đình tú tài”, “Liên gia hiếu học”, “Làng khuyến học 5 tốt”, “Câu lạc bộ khuyến học”,... Phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” (CĐHT), “Đơn vị học tập” theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 848/KH-UBND của UBND tỉnh đã triển khai, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Thí điểm giai đoạn 2014- 2015 trên địa bàn toàn tỉnh, đã có 56.360 gia đình đăng ký tham gia thì có 37.762 gia đình đạt chuẩn và công nhận Gia đình học tập. Với 327 dòng họ đăng ký, thì có 210 dòng họ đạt tiêu chuẩn và được công nhận Dòng họ học tập. Hiện tại cộng đồng có 383 cộng đồng đăng ký và có 200 cộng đồng đạt tiêu chuẩn Cộng đồng học tập và 80 đơn vị tham gia thì cả 80 đơn vị đạt tiêu chuẩn Đơn vị học tập.
Năm 2016, thực hiện Quyết định số 448/QĐ-KHVN ngày 1/12/2015 của TW Hội Khuyến học Việt Nam, Quyết định số 556/QĐ-UBND và Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 11/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về triển khai đại trà các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2020 và thí điểm mô hình “cộng đồng học tập” cấp xã năm 2016, toàn tỉnh có 114.776 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 666 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”, 336 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” và 24 xã đã đăng ký “Cộng đồng học tập” năm 2016. Trong nhiều năm qua, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục & Đào tạo thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay, 159/159 xã trong tỉnh đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã và 175 Câu lạc bộ học tập cộng đồng cấp thôn. Từ năm 2003 đến nay, các Trung tâm đã mở 37.850 lớp thu hút 1.950.000 lượt người gồm hàng chục chuyên đề đã góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Phong trào xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển Hội. Với nhiều hình thức vận động đa dạng, phong phú: Vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; tổ chức Liên hoan Tiếng hát khuyến học; Tiếp sức đến trường; Học bổng 1+1, 1+n...
17 năm qua, toàn tỉnh đã vận động được 560.815 triệu đồng trong đó Quỹ Khuyến học do tỉnh quản lý huy động được 135.000 triệu đồng, huyện và cơ sở quản lý 435.815 triệu đồng. Hằng năm trao hàng chục nghìn suất học bổng cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hiếu học, cũng có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên đạt giỏi, xuất sắc và các giải thi được khen thưởng; khen thưởng, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt giáo viên dạy giỏi, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn... Tính công khai, minh bạch là yếu tố để Quỹ phát triển bền vững trong suốt 17 năm qua.
17 năm xây dựng và phát triển, Quảng Bình tuy là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, song với truyền thống hiếu học của nhân dân, con người Quảng Bình, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn để đến nay đạt được nhiều thành tích đáng tự hào và đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống Mặt trận, được Đảng, chính quyền đánh giá cao, nhân dân ghi nhận tin tưởng, ủng hộ và được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành TW và địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Chủ tịch nước trao tặng 4 Huân chương Lao động hạng Ba (02 tập thể, 02 cá nhân), 01 Huân Chương Lao động hạng Nhì cho Hội Khuyến học tỉnh; Thủ tướng Chính phủ tặng 8 Bằng khen cho Hội Khuyến học tỉnh và các huyện; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Hội Khuyến học tỉnh và tặng 45 Bằng khen; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 01 Bằng khen; Ủy ban Mặt trận TQVN tặng 03 Bằng khen; TW Hội tặng 15 Cờ đua xuất sắc; 01 Giải thưởng khuyến học và nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương.
20 năm xây dựng và phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam, hơn 17 năm của Hội Hội Khuyến học Quảng Bình là một thời gian phấn đấu không mệt mỏi với ý thức trách nhiệm cao, những hoạt động của Hội từ Trung ương đến địa phương đã trở thành nhiều phong trào quần chúng sâu rộng, luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ, được các tầng lớp nhân dân đồng tình và ủng hộ. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được củng cố và phát triển toàn diện, bền vững, đang chuyển nhanh sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ (khóa XI) của Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “ Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện: “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”.
Nhân dịp này, Hội Khuyến học tỉnh trân trọng cám ơn các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động của Hội. Hội Khuyến học tỉnh tri ân các ông, bà nguyên là lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố qua các thời kỳ đã đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động của Hội; trân trọng cám ơn các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Xin trân trọng cám ơn!