Huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) phát triển dòng họ khuyến học

Thứ năm - 16/06/2011 03:12
Cũng như nhiều vùng quê khác ở tỉnh Quảng Bình, từ xưa, nhiều làng quê ở huyện Quảng Ninh đã có nhiều người học hành đổ đạt, thành danh. Truyền thống hiếu học luôn được phát huy từ trong mỗi gia đình, trong từng dòng họ và khắp các địa phương.

Cùng với các tổ chức khuyến học khác, những năm qua trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có nhiều dòng họ khuyến học(DHKH) phát triển, hoạt động có hiệu quả, động viên con cháu vươn lên học giỏi.

Tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Hội khuyến học huyện Quảng Ninh(Quảng Bình), dòng họ Nguyễn Đức ở thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh vinh dự được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học năm 2009. Sau hội nghị đó, chúng tôi về thôn Trần Xá, tìm hiểu ở ông Nguyễn Đức Nghĩa- trưởng họ Nguyễn Đức, ông cho biết: " Họ Nguyễn Đức là một trong những dòng họ lớn ở thôn, chỉ tính riêng đinh tráng(con trai cháu nội) từ 18 tuổi trở lên sống ở trong thôn và trên mọi miền Tổ quốc đã có hơn 1800 người. Chúng tôi thành lập DHKH từ năm 2003, hồi đó, chỉ có 90 thành viên khuyến học và đã xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động của DHKH cụ thể, phù hợp hoàn cảnh của dòng họ, của địa phương. Về quỹ khuyến học, vận động mỗi thành viên mỗi năm đóng góp 20 nghìn đồng, riêng những thành viên nào đang ở quân ngũ, học Cao đẳng, Đại học và người già 80 tuổi trở lên được miễn không đóng góp; đối với dâu, rể và con gái dòng họ thì tự nguyện, hảo tâm. Thời điểm đó, quỹ khuyến học mới được 600 nghìn đồng. Cho đến hiện nay, sau 8 năm hoạt động, đã có 199 thành viên tham gia DHKH với nguồn quỹ lên đến 51,5 triệu đồng". Qua tìm hiểu, được biết ở huyện Quảng Ninh chưa một dòng họ nào có nguồn quỹ khuyến học đạt đến con số đó. Ở thôn Trần Xá mọi người đều thừa nhận, họ Nguyễn Đức là một dòng họ có truyền thống hiếu học, đoàn kết, "trên hô dưới ứng", sống có tình làng nghĩa xóm, có ý thức cộng đồng; từ con trai cháu nội đến con gái, dâu, rễ ai cũng luôn có ý thức xây dựng dòng họ, xây dựng làng xóm nên trong việc xây dựng quỹ khuyến học đã có nhiều người với lòng hảo tâm, tự nguyện đóng góp với số tiền đáng trân trọng. Trong đó, phải kể đến vợ chồng Nguyễn Thị Diệp- Lê Xuân Trung (kinh doanh vật liệu xây dựng ở Đồng hới) ủng hộ trên 16 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Nghĩa đã 80 tuổi vẫn hăng hái, gương mẫu ủng hộ 7 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mụn 2 triệu đồng...Tiền quỹ, dòng họ gữi tiết kiệm vào Ngân hàng nhà nước, hàng năm chỉ rút tiền lãi để phát thưởng. Tám năm qua, họ Nguyễn Đức đã thưởng cho 317 lượt con cháu học giỏi, tiên tiến, thi đỗ Cao đẳng, Đại học, trong đó có 13 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng cố gắng vươn lên học giỏi.
Ngoài khuyến học, họ Nguyễn Đức còn thưởng khuyến tài cho hai thành viên trong dòng họ, đó là ông Nguyễn Đức Đơ và anh Nguyễn Đức Sinh. Ông Nguyễn Đức Đơ- người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi đất trồng khoai, sắn có năng suất thấp, bấp bênh ở Cồn Hà sang nuôi tôm chuyên canh, cho thu nhập cao; sau ông Đơ, đã có 7 hộ gia đình khác nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Cồn Hà tạo việc làm cho nhiều lao động và có thu nhập cao. Anh Nguyễn Đức Sinh- năm 2006, một mình "lặn lội" đưa giống dưa hấu An Tiêm1 và Hắc Mỹ Nhân từ tỉnh Khánh Hòa về gieo thử nghiệm trên đồng đất một vụ lúa ở thôn Trần Xá và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình trồng dưa hấu của anh Sinh, đến vụ hè thu năm 2010 đã có 32 hộ gia đình ở Hàm Ninh trồng 15 ha dưa hấu với các giống mới cho năng suất, chất lượng cao, người tiêu dùng ưa thích.

Họ Phạm ở Thôn Thượng và Thôn Tiền xã Võ Ninh sinh cơ lập nghiệp tại đất Võ Xá từ năm 1640. Trải qua mấy trăm năm, có biết bao thế hệ người con họ Phạm học giỏi, trưởng thành trên tất cả các lĩnh vực. Về công tác khuyến học, từ năm 2002, họ Phạm đã xây dựng DHKH với 100% gia đình làm thành viên. Bình quân, mỗi năm dòng họ tổ chức phát thưởng cho 38 lượt cháu có thành tích cao trong học tập và thi đổ vào các trường Cao đẳng, Đại học.

Ngoài hai dòng họ trên, cho đến nay, ở bất cứ thôn nào, xã nào trên địa bàn huyện Quảng Ninh cũng có những DHKH có nguồn quỹ khá, hoạt động có nền nếp, hiệu quả cao như: họ Nguyễn Văn ở thôn Bắc Ngũ xã Gia Ninh, họ Lê Quang ở thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh, họ Dương ở Quảng Xá và họ Từ Sỹ thôn Nguyệt Áng xã Tân Ninh, họ Lê ở Thôn Thượng và họ Hoàng ở Thôn Trung xã Võ Ninh, họ Nguyễn Văn ở thôn Trần Xá xã Hàm Ninh, họ Hà ở thôn Vĩnh Tuy xã Vĩnh Ninh, họ Lê ở thôn Lương Yến xã Lương Ninh...

Trong mỗi làng quê ở huyện Quảng Ninh vẫn còn không ít những gia đình cơm ăn chưa đủ no, mùa đông chưa đủ áo ấm, nhiều con em họ tưởng chừng không theo học được nhưng nhờ các DHKH tích cực động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nên các cháu không bỏ học, vẫn đến trường, đến lớp với bạn bè, thầy cô. Có điều thật hay, hầu như phổ biến, là: ở thôn nào cũng vậy, khi dòng họ này xây dựng được DHKH thì đã khích lệ dòng họ khác không thể làm ngơ, cũng ngồi lại, bàn bạc rồi cũng "đồng tâm hiệp lực" xây dựng bằng được DHKH. Cứ thế, xây dựng DHKH ở huyện Quảng Ninh ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều dòng họ có 100% con, cháu trong độ tuổi đã phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và thực hiện phổ cập THPT, 100% gia đình trong dòng họ đạt tiêu chí gia đình hiếu học. Theo báo cáo của Hội khuyến học huyện Quảng Ninh, đến cuối năm 2010, toàn huyện có 230 dòng họ hiếu học, 6.389 gia đình được công nhận gia đình hiếu học. Năm 2011, các DHKH ở Quảng Ninh đang cùng với các tổ chức khuyến học khác hỗ trợ tích cực các trường học trên địa bàn duy trì số lượng học sinh, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học.


THÁI TOẢN ( Đài TT- TH huyện Quảng Ninh)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay648
  • Tháng hiện tại8,862
  • Tổng lượt truy cập599,021
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây