CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
=======================
|
ĐIỀU LỆ(sửa đổi, bổ sung)
HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
|
Khuyến học, khuyến tài là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc, thể hiện đạo lý "học để làm người" của nhân dân Việt Nam.
Ngày nay trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp "trồng người" vì lợi ích trăm năm để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Giáo dục đã trở thành quốc sách hàng đầu.
Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức xã hội lớn mạnh, cùng với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo, tích cực tham gia xã hội hoá giáo dục, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
|
Chương I
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ
|
Điều 1. Tên gọi
1. Tên tiếng Việt: Hội Khuyến học Việt Nam.
2. Tên tiếng Anh: Vietnam Association for Promoting Education (viết tắt là: VAPE).
|
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù tập hợp tổ chức, công dân Việt Nam, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", góp sức phấn đấu cho phong trào "toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập” nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nguồn nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
|
Điều 3. Vị trí, tư cách pháp nhân, trụ sở của Hội
1. Hội Khuyến học Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tuân thủ pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.
2. Hội có tư cách pháp nhân, có biểu tượng, có con dấu, có tài sản và tài chính riêng, có tài khoản bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng. Hội có cơ quan ngôn luận được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước.
4. Hội đặt trụ sở tại Thủ đô Hà Nội và có thể đặt văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định pháp luật.
|
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn
Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
2. Khuyến khích và hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường. Vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời, quan tâm đến những người nghèo, người khuyết tật không có điều kiện học tập và những người có năng khiếu nhằm nâng cao dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp để góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước;
3. Liên kết, vận động mọi gia đình và tổ chức xã hội, cùng các cơ sở giáo dục và đào tạo góp phần động viên, chăm lo về vật chất và tinh thần đối với các thầy cô giáo, thực hiện sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, học kết hợp với hành, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh;
4. Tư vấn, phản biện, giám định xã hội theo quy định của pháp luật về giáo dục trên cơ sở tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà giáo dục, các phụ huynh học sinh. Kiến nghị với Đảng, chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo về các chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành xã hội học tập;
5. Tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ theo quy định pháp luật;
6. Đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên;
7. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
|
Chương II
HỘI VIÊN
|
Điều 5.Hội viên
1. Công dân, tổ chức Việt Nam có tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện hoạt động cho Hội, được Hội xem xét công nhận là hội viên và được trao thẻ hội viên.
2. Công dân, tổ chức có đóng góp xứng đáng cho Hội được Ban Thường vụ suy tôn là hội viên danh dự hoặc được công nhận là Hội viên liên kết. Hội viên danh dự, Hội viên liên kết không tham gia bầu cử, ứng cử và biểu quyết các vấn đề của Hội.
Ban Thường vụ Hội quy định cụ thể thủ tục vào Hội, ra Hội.
|
Điều 6. Nghĩa vụ hội viên
Hội viên có nghĩa vụ:
1. Chấp hành Điều lệ, nghị quyết, các quy định của Hội;
2. Tích cực học tập và vận động mọi người học tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt;
3. Sinh hoạt và hoạt động trong các tổ chức của Hội, tuyên truyền phát triển hội viên và đóng hội phí.
|
Điều 7. Quyền lợi hội viên
Hội viên có quyền:
1. Được bàn bạc, thảo luận công việc của Hội, đề xuất ý kiến nhằm phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài và sự nghiệp giáo dục;
2. Bầu cử, đề cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội;
3. Được Hội tạo điều kiện thực hiện các hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn của Hội;
4. Xin ra khỏi Hội khi xét thấy không đủ điều kiện tiếp tục tham gia.
|
Chương III
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
|
Điều 8. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
1. Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tranh thủ sự hướng dẫn của Mặt trận tổ quốc; hợp tác, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội.
2. Tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tập thể, quyết định theo đa số, tự nguyện, tự quản, không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ pháp luật, Điều lệ Hội và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật;
3. Phát huy quyền chủ động sáng tạo của các tổ chức Hội; liên kết, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, kinh tế, khoa học, văn hoá, giáo dục trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
4. Tranh thủ sự ủng hộ và trợ giúp về tinh thần, vật chất của mọi tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài;
5. Nguyên tắc biểu quyết:
a) Hình thức biểu quyết bằng giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Đại hội, hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quyết định;
b) Các vấn đề biểu quyết chỉ được thông qua khi có trên 50% (năm mươi) tổng số đại biểu được triệu tập tham dự Đại hội, hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tán thành.
|
Điều 9. Tổ chức Hội
Tổ chức của Hội Khuyến học Việt Nam, gồm:
1. Đại hội;
2. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;
3. Ban Kiểm tra;
4. Văn phòng và các ban chuyên môn;
5. Tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc;
6. Các hội khuyến học tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hội khuyến học quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các hội khuyến học cơ sở xã, phường, thị trấn được thành lập, phê duyệt điều lệ theo quy định pháp luật, nếu tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập được xem xét, kết nạp vào Hội Khuyến học Việt Nam.
|
Điều 10. Đại hội
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội khuyến học Việt Nam là Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu, nhiệm kỳ 5 (năm) năm một lần. Đại hội do Ban Chấp hành triệu tập; Đại hội được tiến hành khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số đại biểu chính thức có mặt. Trong trường hợp cần thiết, khi có 2/3 (hai phần ba) uỷ viên Ban Chấp hành yêu cầu, Đại hội có thể được triệu tập bất thường theo quy định của pháp luật.
|
Điều 11. Nhiệm vụ của Đại hội
1. Đánh giá hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua, quyết định phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và đổi tên Hội (nếu có).
3. Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; suy tôn Chủ tịch danh dự Hội (nếu có).
4. Thông qua báo cáo tài chính nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội.
5. Thông qua mức đóng hội phí.
|
Điều 12. Ban Chấp hành
1. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội, họp thường kỳ mỗi năm một lần, họp bất thường khi cần. Ban Chấp hành có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Lãnh đạo việc chấp hành Điều lệ và Nghị quyết của Đại hội.
b) Bầu Ban Thường vụ Hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và một số ủy viên;
c) Quy định cụ thể chế độ đóng hội phí;
d) Bầu bổ sung, thay đổi uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo của Hội theo đề xuất của Ban Thường vụ;
đ) Chuẩn bị và triệu tập Đại hội nhiệm kỳ sau.
2. Hình thức bầu, số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định, khi cần thiết, Ban Chấp hành được bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành trong số các hội viên chính thức của Hội theo đề nghị của Ban Thường vụ, số lượng bầu bổ sung không qúa 15% (mười lăm) số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.
|
Điều 13. Ban Thường vụ
1. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, họp thường kỳ 6 (sáu) tháng một lần, họp bất thường khi cần. Ban Thường vụ có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Quyết định những chủ trương công tác và tổ chức nhân sự để thực hiện nghị quyết và chương trình hành động của Ban Chấp hành;
b) Triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển giáo dục, hình thành xã hội học tập;
c) Quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật của Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định pháp luật; phối hợp với Ban Kiểm tra Hội để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội (nếu có);
d) Quyết định việc thành lập các pháp nhân trực thuộc Hội theo đề nghị của Thường trực Hội. Quản lý, định hướng hoạt động pháp nhân trực thuộc Hội.
2. Ban Thường vụ cử bộ phận Thường trực gồm có Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên để thay mặt Ban Thường vụ chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội. Thành phần của bộ ph�
|