Khát vọng sống của thầy giáo nghèo bị bệnh suy thận

Thứ tư - 11/04/2012 22:18
Những hôm thầy không đến lớp, viên phấn trắng lạnh khô nơi góc bảng, nỗi buồn lại cứ trĩu nặng trên khuôn mặt các em học sinh. Bục giảng hôm ấy như thiếu đi bóng dáng một người thầy luôn nhiệt huyết “truyền lửa”, gieo ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh nghèo ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch.

 Giữa cái nắng nhẹ pha chút gió heo may se lạnh của sáng chớm hạ, chúng tôi tìm về mảnh đất hiếu học, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch để thăm hoàn cảnh đáng thương của một thầy giáo nghèo, bị căn bệnh suy thận hành hạ suốt hơn 5 năm nay. Thầy là Phan Tuấn Long, giáo viên Trường THCS Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. 

  Số phận nghiệt ngã! 
 Chúng tôi tìm về nhà thầy vào buổi quá trưa. Trong căn nhà cấp bốn chắp vá, trên chiếc giường bệnh đặt ở cuối góc phòng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người phụ nữ đang nhẹ nhàng xoa bóp từ khớp chân đến khớp tay cho chồng - chị là Trần Thị Giang (vợ thầy Long). Khẽ đỡ nhẹ cho chồng nằm xuống, chị Giang bắt đầu câu chuyện buồn về hành trình cùng chồng chống chọi với căn bệnh suy thận. 
 Chị Giang yêu thầy Long từ hồi còn trên ghế giảng đường đại học. Ra trường hoàn cảnh hai người đều nghèo và công việc chưa ổn định nên đành phải gác lại chuyện cưới xin. Hai năm sau, khi công việc đã tạm ổn định, họ mới tổ chức đám cưới. Năm 2007, vợ chồng có với nhau đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. - cháu Phan Tuấn Cường (5 tuổi). Cứ tưởng thế là hạnh phúc đã đủ đầy đối với hai vợ chồng giáo viên nghèo. Nhưng nghiệt ngã thay, thầy Long bỗng đột ngột đổ bệnh. 
 Căn bệnh suy thận quái ác đã khiến bao nhiêu tài sản, tiền của trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Thầy dường như suy sụp hoàn toàn. Nhiều thức đêm trắng, nước mắt thầy chảy ướt sờn cả vạt áo bên vai. Với thầy Long, dù luôn có vợ con bên cạnh nhưng bản thân thầy cũng đã đôi lần từng nghĩ quẩn khi nhìn cảnh vợ vừa quần quật nuôi con thơ dại lại vừa phải chạy vạy lo tiền bạc thuốc thang, đưa chồng đi chữa bệnh tật khắp tứ phương. 
 Thấy vợ sau mỗi giờ lên lớp lại chạy khắp nơi vay mượn tiền, thầy Long lại càng nản chí và tự dằn vặt trách mình hơn. Thân đàn ông trụ cột, không gánh vác nỗi việc gia đình nay lại còn mắc phải căn bệnh quái ác, chồng thêm gánh nặng cho vợ con. 
 Thầy Long ứa nước mắt kể: "Những lúc xuôi Bắc, ngược Nam chữa bệnh, vợ mình phải nhờ người khác dạy thay, gửi con cho ông bà nội ngoại để theo lo cho chồng. Nhiều đêm thấy vợ thức trắng ngồi ngoài hành lang bệnh viện, mắt thâm quầng, thân hình gầy rộc đi vì mất ngủ. Mình thấy thương vợ lắm, lấy phải ông chồng chi mà hẩm hiu". Quả thận của thầy Long bị suy kiệt giai đoạn 1 từ đầu năm 2007. Từ đó đến nay, cứ mỗi tháng một lần thầy phải vào Bệnh viện TW Huế để khám và lấy thuốc trị bệnh. Sau mỗi chuyến vào Huế, trừ lại số tiền được bảo hiểm, vợ chồng thầy phải tốn khoảng 6 triệu đồng. 5 năm chữa bệnh đã qua, số nợ Ngân hàng và người thân đã lên đến gần 200 triệu đồng. 
  Ở miền quê nghèo Quảng Phương, ngoài giờ lên lớp dạy, vợ chồng thầy Long chẳng kiếm thêm được công việc gì để có thêm thu nhập. Đồng lương giáo viên của hai vợ chồng (khoảng gần 6 triệu đồng/tháng), vốn chẳng dư giả gì nhưng nay sổ lương của hai vợ chồng cũng đã phải đem đi cầm cố để lấy tiền trang trải việc chạy chữa bệnh tật cho thầy Long. Trong căn nhà cấp bốn chắp vá ấy bây giờ chẳng còn gì đáng giá ngoài căn phòng vô trùng mà gia đình tự chế ra, điều trị đặc dành riêng cho những người chạy thận. Mỗi ngày, thầy Long phải ra vào 4 lần để hút những chất độc trong người, thay cho quả thận đã hỏng.
  .... và khát vọng sống để dạy học 
 Dù lâm vào cơn bạo bệnh từ năm 2007, nhưng tấm lòng nhiệt huyết bám trường, bám lớp truyền dạy kiến thức trong suy nghĩ của thầy Long. Còn cô Giang, ngoài thời gian lên lớp dạy học, trở về nhà là chị lao vào chăm sóc con nhỏ vừa kiêm luôn cả nhiệm vụ của một người “bác sĩ” chăm sóc chồng. Từ ngày chồng bị bệnh, kinh tế khó khăn, không có điều kiện mời bác sĩ về nhà nên cô đã tự lên mạng Internet tìm hiểu, tham khảo và học những phương pháp điều trị cơ bản cho người bị suy thận. Với cô Giang, trong những giây phút này, chị đang cố gắng bù đắp cho chồng những thiệt thòi trong cuộc sống và luôn cố gắng từng giây từng phút để chăm sóc, chữa trị cho chồng đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi mắc phải căn bệnh thận. 
  Chị Giang hai dòng lệ tuôn dài, bộc bạch: “Nhiều đêm quay lưng giấu mặt anh khóc trắng đêm mà cầu mong sao ông trời thương cho mình đủ sức lực để lo toan, chăm sóc chồng trong cơn bệnh dài. Còn để có được số tiền khoảng 200 triệu đồng phẫu thuật ghép thận cho chồng thì gia đình này chẳng dám mơ đến nữa rồi. Bởi biết xoay xở đâu ra....". 
 Nghe vợ tâm sự với chúng tôi, thầy Long hướng mắt về phía xa xăm, bộc bạch với chúng tôi tự đáy lòng: "Mình mong ước sẽ vượt qua được bệnh tật để bù đắp lại cho vợ con. Để được lên lớp truyền dạy kiến thức cho học sinh ở mảnh đất khốn khó mà hiếu học này để các em đủ hành trang cho ngày sau xây dựng quê hương này giàu có, tươi đẹp hơn bây giờ. Vài ba hôm không lên lớp được, các học sinh lại kéo về đây thăm thầy. Cứ nhớ mãi một học sinh động viên thầy rằng: Thầy ơi! Gắng chữa bệnh cho nhanh khỏi. Ở lớp, ở trường chúng em luôn chờ đợi tiếng thầy giảng bài từng ngày..."
  Rời thôn Pháp Kệ trong buổi chiều trở gió lạnh se sắt lòng, chúng tôi cứ trăn trở mãi: Cuộc đời bất công đến thế sao? Lam sao để cô giáo Giang, cháu trai bé bỏng Phan Tuấn Cường và cả các em học sinh ở miền quê Quảng Phương sẽ không vĩnh viễn mất đi một người chồng, người cha, người thầy đầy tâm huyết ấy? 
  Thầy Nguyễn Văn Đản, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Phương, chia sẻ: “Thầy Long là một người rất nhiệt huyết với nghề và được các em học sinh quý mến. Thầy Long luôn biết vượt lên nỗi đau của bệnh tật để “truyền lửa” và gieo ước mơ cho biết bao thế hệ học trò ở mảnh đất hiếu học này”.
 Đặng Hải Đình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay863
  • Tháng hiện tại31,047
  • Tổng lượt truy cập461,713
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây