Trong lịch sử, Edgar Faure đã đề xuất một khái niệm mới dạng xã hội học tập năm 1972 trong cuốn sách nổi tiếng Learning to be, xoay quanh vấn đề nội hàm của khái niệm này thế giới đã tốn cả tấn giấy mực và rồi ông cũng ngậm ngùi về nới chín suối.
Trong cuốn “The Learning Society as Itself: Lifelong Learning, Individualization of Learning, and beyond Education” : Bản chất của khuynh hướng xã hội học tập: Học suốt đời, tự học và học tập bên ngoài phạm vi ngành giáo dục. Tác giả: Su Ya-Hui. Nguồn: Studies in Continuing Education, năm 2007 cũng đã bàn tới rất nhiều vấn đề, liệu những nội hàm của khái niệm mà tác giả nêu ra có được thế giới thảo luận như Edgar Faure. (thế giới đã thảo luận khái niệm của Edgar Faure từ thập niên 70 của thế kỷ trước cho đến ngày nay)
Vấn đề chồng chất vấn đề, nội hàm khái niệm cổ chưa có đáp án thì lại xuất hiện những tài liệu rất có giá trị như:
Cross-Professional Partnerships – Innovation in Continuing Education for Social Workers and Extension Educators : Vấn đề chuyên nghiệp trong quan hệ với đối tác – Phải tiếp tục học tập trong công tác xã hội và giáo dục mở rộng. Tác giả: Waites Cheryl, Bearon Lucille. Nguồn: Educational Gerontology, năm 2007
Education unbound : Nền giáo dục không ràng buộc. Nguồn: On the Horizon, năm 2007.
Education and training in a globalized world society : Vấn đề giáo dục và đào tạo trong một xã hội toàn cầu hóa. Tác giả: Renate Kock, Smyth Robyn. Nguồn: British Journal of Educational Technology, năm 2007.
We're committed to an adequate education for all : Đề xuất một giải pháp giáo dục thích hợp cho tất cả mọi người. Tác giả: Estabrook Iris, Rous Emma. Nguồn: New Hampshire Business Review, năm 2007.
A new vision for education : Một quan điểm mới về vấn đề giáo dục. Nguồn: Irish Times, năm 2007.
Interface – Establishing Knowledge Networks Between Higher Vocational Education and Businesses : Giao diện thiết lập hệ thống mạng kiến thức giữa giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu và những doanh nghiệp. Tác giả: Kessels Joseph, Kwakman Kitty. Nguồn: Higher Education, năm 2007…. và còn rất nhiều tài liệu khác nữa.
Ở Việt Nam thì sao? Theo tôi được biết thì cuốn sách mới nhất là “Tiến tới một xã hội học tập ở Việt Nam. Tác giả : Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Hữu Châu, Đào Thái Lai. Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2005.”
Thừa nhận một thực tế rằng Việt nam là một Quốc gia đang phát triển, song so với thế giới thì sự phát triển đó chậm hơn ít nhất mấy chục năm. Đành rằng “đi tắt đón đầu” nhưng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố để thực hiện. Vấn đề có thể hay, giải pháp có thể tốt nhưng lực bất tòng tâm. Ai cũng biết sang Mỹ học thì sẽ có một tương lai tốt đẹp, song thu nhập của một nông dân không nổi 400 USD trên đầu người, làm thế nào để đi học !. Ai cũng hiểu là phải học tập để có cần câu cơm kiếm sống, song học cái gì cụ thể, làm ở đâu thì chưa thấy ai chỉ ra một cách cụ thể. Khi tôi sinh ra thì Bác Hồ đã đi theo tổ tiên, nhưng bằng các sách báo để lại và những câu chuyện kể về Bác tôi thấy ngày trước Bác nói câu nào cũng đều dễ hiểu, dễ nhớ, phải chăng do tri thức ngày nay ở tầm cao mới cho nên người ta nói trừu tượng hơn.
Trở lại vấn đề: Người Việt Nam thường có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cũng chính vì vậy mà bữa cơm của nhà này khác với bữa cơm của nhà kia. Suy rộng từ câu nói trên, chúng ta có thể hiểu rằng tuy con người sống trong cùng một lãnh thổ, nhưng cuộc sống của đồng bào miền núi khác với miền xuôi, nông thôn khác với thành thị. Người thành phố thì ưa nói văn hoa, còn với người nông dân thì ưa thật thà chất phát và những lời nói mộc mạc dễ hiểu.
Ở Việt Nam với trên 70% dân số là nông nghiệp và thực tế cho thấy cuộc sống của nông dân cũng khó khăn hơn, người Việt Nam thường quen “số đông thắng số ít” vì vậy tôi nghĩ khi xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam ta nên ưu tiên đến đối tượng là vùng nông thôn trước.
Về lý luận “xã hội học tập”, các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng như trên thế giới đã đưa ra rất nhiều lý luận và những lý thuyết trừu tượng về một xã hội học tập. Tuy nhiên ở Việt Nam ta cái cần chính là một mô hình và việc làm cụ thể. Cũng chính bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh cho nên lý luận của Tây khác với của ta, vì Tây hơn ta về khoa học mấy chục năm trời, Tây có phong cách nói cụ thể và thực dụng, ta lại ưa nói trừu tượng và để đi đến đích của một vấn đề phải trải qua nhiều cửa ải. Người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, văn hóa thì có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Những tài liệu "Tây" dù sao cũng chỉ mang tính tham khảo, ai cũng hiểu nếu dập khuôn lý luận của "Tây" vào Ta chắc gì đã phù hợp. Viết tới đây tôi tự nhiên nhớ lại một câu chuyện của anh thợ săn đi rừng. … “ Vì mải săn một con thú mà anh ta đã chạy theo cho đến khi bị lạc vào một khu rừng rậm. Trong lúc bế tắc không có đường ra bất chợt anh ta gặp một ông tiên phụ trách hướng trong khu rừng, anh ta bèn hỏi: xin hỏi Tiên làm sao tôi có thể ra khỏi khu rừng, ông Tiên trả lời ngay: Tìm hướng mà ra…”. Thật buồn cho người thợ săn, nếu biết hướng ra chắc chắn anh ta đã tự thoát được. Xã hội học tập từ cơ sở cũng giống như anh thợ săn, nếu chỉ lý luận mà không chỉ ra được mô hình cụ thể.
Người ta thường nói “mỗi gia đình là một tế bào của xã hội” vì vậy theo tôi trước khi xây dựng xã hội học tập thì hãy xây dựng tế bào trước. Xác định đối tượng nghiên cứu của đề tài, phân theo độ tuổi, khu vực, vùng miền, Nam, Nữ, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, từ đó nhà nghiên cứu phải chỉ ra được việc làm cụ thể là gì cho từng loại đối tượng.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ tập trung đề cập đến vấn đề “Làm thế nào để xây dựng xã hội học tập ở nông thôn”. Trước khi vào vấn đề chính, tôi xin sơ qua vài nét về giáo dục.
Vấn đề cốt yếu của việc cải cách giáo dục là đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Việc giáo dục trong nhà trường đối với từng con người, đó chỉ là thực hiện một giai đoạn học tập, giai đoạn này tuy hết sức quan trọng nhưng cũng chỉ là một bộ phận, vì kiến thức của loài người là vô tận. Vả lại, nếu học cốt để có nhiều kiến thức thì quả thật điều đó khó có thể thực hiện được bởi vì đời người quá ngắn ngủi. Vì vậy, nhà trường phải trang bị cho người học vốn tri thức căn bản, phương pháp tìm kiếm tri thức, từ đó giúp họ chủ động trong việc nâng cao kiến thức.
Giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn còn nặng về chức năng truyền thụ tri thức của thế hệ trước cho thế hệ sau. Điều đó rõ ràng là chưa đáp ứng yêu cầu người học ngày nay, vì những hiểu biết của thế hệ trước ít có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống hiện nay, cuộc sống mà lượng tri thức sản sinh ngay trong quãng đời mà họ đang sống là quá lớn.
Với xu thế hội nhập toàn cầu, người học không chỉ đòi hỏi được tiếp thu những kiến thức cơ bản cần thiết cho cuộc sống mà còn mong muốn có năng lực tìm kiếm kiến thức và tạo ra kiến thức mới. Vì vậy, việc xây dựng một xã hội học tập, đòi hỏi giáo dục phải hướng người học vào cách học, thái độ học, phương pháp tư duy, năng lực tìm kiếm kiến thức và tạo ra kiến thức mới, kiến thức cần thiết cho đời sống mà họ đang sống….
Trở lại vấn đề xây dựng xã hội học tập ở nông thôn. Theo tôi nên phân ra làm 3 loại đối tượng chính ngoài những đối tượng đã thoát ly hoặc đang học tập ở nơi khác.
Đối tượng thứ nhất: Là những người đã hết độ tuổi lao động (từ 60 trở lên)
Đối tượng thứ hai: Là những người đang trong độ tuổi lao động (từ 30 đến 60)
Đối tượng thứ ba: Là những người vừa học hết PTTH không có điều kiện hoặc không có khả năng theo học tiếp.
Giải pháp kích cầu học tập cho nhóm thứ nhất:
Với tâm lý của người nông dân, học tập là một truyền thống, song học cái gì để có cuộc sống trước mắt (thu nhập ngay). Người nông dân ở tuổi 60 trên thực tế đã được gọi là hết tuổi lao động nhưng đâu đó tại các làng quê ta vẫn bắt gặp những tuổi đó vác cuốc ra đồng hoặc giúp con cháu trong việc thu hoạch mùa màng, vẫn hăng say lao động vì không muốn mang tiếng là ăn bám con cháu.
Để giúp đối tượng nhóm này có việc làm và có thu nhập ngay tôi xin trình bày một mô hình mà tôi đã nghiên cứu tại một địa phương:
Dựa vào Doanh nghiệp Mây tre đan xuất khẩu: Lợi ích của doanh nghiệp này khi sử dụng lao động ở độ tuổi trên 60 là không phải đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, không phải đóng bảo hiểm y tế, sử dụng lao động theo thời vụ, không hạn chế số lượng nhân công, không phải làm nhà xưởng và đặc biệt không vất vả trong việc quản lý nhân sự nhưng hiệu quả lại rất cao.
Hình thức: Doanh nghiệp giao sản phẩm thô (ở đây là Mây và Tre) cho từng cá nhân mang về nhà làm, làm xong giao lại sản phẩm cho doanh nghiệp, tiền công hưởng theo sản phẩm.
Trung tâm học tập cộng đồng: Là nơi để bộ phận kỹ thuật hướng dẫn cách đan sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật đan. Nhiệm vụ của Trung tâm học tập cộng đồng là bố trí chỗ học, xếp lịch học, hình thức học đến đâu làm theo đến đó.
Như vậy để làm được một sản phẩm nhanh mà vẫn đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi người gia công sản phẩm phải học tại Trung tâm, học hỏi lẫn nhau với ý thức cao. Bởi vì họ đều nhận thấy rằng sự học đó mang lại ngay kết quả.
Giải pháp cho nhóm thứ hai: Đây là đối tượng lao động chính trong gia đình, tại địa phương
Trong sự phát triển của đất nước, đồng ruộng trở nên hạn hẹp hơn, mùa màng có thời vụ. Để tận dụng hết khả năng lao động và tăng thêm thu nhập trong gia đình thì nhóm này buộc phải làm thêm nghề tay trái. Lựa chọn nghề gì để đáp ứng nhu cầu của địa phương ? Tôi xin phân ra mấy loại sau:
Phục vụ: Xây dựng tổ di động, phục vụ tận nhà các hộ gia đình, mỗi địa phương 3 trạm. Vào mùa cấy hái dùng này làm bơm nước phục vụ sản xuất, cày, bừa, mùa gặt làm tuốt lúa. Mục đích: công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, giảm công sức và thời gian của nông dân, từ đó nông dân có nhiều thời gian hơn để làm nghề phụ.
Ban xây dựng xã hội học tập ở địa phương chọn lựa 3 người, lập dự án giúp họ vay vốn để xây dựng 3 trạm và chuyển cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (giá 40 triệu cho 1 trạm di động). Đối với dự án CNH-HĐH nông thôn phía Ngân hàng có loại vay ưu đãi dành cho phát triển sản xuất. Sau 1 năm hoạt động Họ đã trả hết vốn vay của Ngân hàng. Đây là một thực tế đã được chứng minh.
Thành lập tổ xây dựng tại mỗi địa phương nhằm phục vụ sửa chữa các công trình thuỷ lợi, đường xá nông thôn và các công trình dân sinh khác. Ban xây dựng xã hội học tập ở địa phương phụ trách, nhận việc và hướng dẫn họ thực hiện.
Thành lập các điểm sản xuất công cụ lao động, các lò rèn, cơ sở sản xuất vỏ chai nhỏ tại mỗi địa phương, từ đó nảy sinh ra một số lao động hành nghề thu mua phế liệu.
Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các phòng nông nghiệp huyện đề xuất, nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng mới, xử lý sâu bệnh phá hoại mùa màng, cung cấp thuốc chữa bệnh cho cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện.
Lựa chọn nghề: Khi dịch vụ hoạt động tốt sẽ dôi dư lượng thời gian cho mỗi lao động tại địa phương, các lao động này tự chọn để làm gia công hàng cho các doanh nghiệp như Nghề mộc, thủ công mỹ nghệ, tranh sơn mài…vv. bước đầu nhận gia công cho các doanh nghiệp để được các thợ lành nghề truyền dạy kinh nghiệm (bởi vì khi nhận gia công cho các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp bắt buộc phải hướng dẫn. Ở đây có hai mục đích chính, một là tạo việc làm và có thu nhập ngay, hai là trong thời gian làm việc người nông dân đó học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ đó họ sẽ ý thức được rằng học tập thường xuyên sẽ mang lại lợi ích cho bản thân họ. Họ sẽ nung nấu ý chí vì một ngày kia họ sẽ tự lập hành nghề ). Ở đây chúng ta đạt cùng lúc 3 mục đích: một là đào tạo được một lớp người có nghề nghiệp mà không mất tiền đào tạo, hai là: kích cầu ý chí của nông dân để họ có động lực học suốt đời vì không ai muốn mình là người làm thuê mãi mãi, ba là xây dựng các làng nghề mới. Người ta luôn nghĩ đến chuyện phục hồi các làng nghề truyền thồng nhưng ít ai đặt câu hỏi nếu các cụ xưa kia không xây dựng làng nghề thì nay có cơ sở để phục hồi nó hay không.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi lao động: Người phụ nữ nông thôn có cuộc sống vất vả hơn người phụ nữ thành phố, họ không chỉ lo toan thu vén cho gia đình mà còn đóng vai trò như một ô sin, vì vậy thời gian của họ không nhiều như các anh nam giới. Lựa chọn cho họ một nghề tay trái nhẹ nhàng và làm tranh thủ là thích hợp nhất. Tại địa phương mà tôi nghiên cứu thì phụ nữ nên chọn nghề Thêu zen xuất khẩu. Đối với công việc này không đòi hỏi người phụ nữ làm tập trung, có thể nhận hàng mang về nhà làm tranh thủ. Thế giới họ thích hàng thêu tay của ta vì vậy lựa chọn làm nghề này cũng chưa phải lỗi thời.
Giải pháp cho nhóm thứ ba: Độ tuổi này các em có hoài bão rất lớn, muốn tự thân lập nghiệp và ganh đua với bạn bè, có một số mang tâm lý muốn thoát ly khỏi địa phương, số còn lại thì tặc lưỡi cho qua chờ lấy vợ lấy chồng. Vì nhiều lý do khác nhau khiến các em không thể tiếp tục theo học, nếu hướng đúng cách thì các em sẽ trở thành những công nhân có tay nghề giỏi, còn sai cách thì sẽ là một hiểm hoạ cho xã hội.
Nhóm này tôi cũng phân ra làm ba loại: loại thứ nhất, là phụ nữ, loại thứ hai là nam thanh niên, loại thứ ba bao gồm những thanh niên bất tử. Đối với loại thứ ba này cho nhập ngũ hết, trong kỷ luật của quân đội sẽ làm cho các em trở nên thuần hơn.
Đối với Nữ thanh niên, việc làm thích hợp là vào các doanh nghiệp may mặc. Theo tình hình thực tế hiện nay thì những công nhân ngành may được gọi là những Nông dân của công nghiệp, doanh nghiệp may mặc chỉ có thể sử dụng lao động tại địa phương bởi vì: lương công nhân ít ỏi, nếu công nhân xa nhà thì các khoản chi phí như thuê nhà, tiền ăn ở là không đủ nhưng với công nhân tại địa phương thì vẫn để ra được bởi ăn cơm nhà, ngủ ở nhà….Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp may mặc liên tục bị mất công nhân vì phần đông công nhân may là Nữ, sau khi xây dựng gia đình thì bỏ nghề hoặc công nhân xa nhà lương không đủ chi phí. Nhiệm vụ của Trung tâm học tập cộng đồng là liên hệ với các doanh nghiệp may, nắm bắt được nhu cầu sử dụng công nhân của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo và thế chỗ kịp thời.
Đối với Nam thanh niên, 90% nam thanh niên đến độ tuổi buộc phải nhập ngũ, số 10% do sức khoẻ, gia đình neo đơn ..vv.. không nhập ngũ được thì giải quyết cho vào các đội xây dựng, nghề dịch vụ tại địa phương. Trung tâm học tập cộng đồng liên hệ các cơ sở dạy nghề để các em học nếu có nhu cầu.
Nhiều người đặt câu hỏi với tôi rằng: thế hệ trẻ đi làm công nhân hết thì đất nông nghiệp có bị hoang hoá không. Tôi xin cam kết rằng đất nông nghiệp đó sẽ không bị hoang hoá. Phần đất không thể chuyển đổi được để trồng hoa cây cảnh thì duy trì trồng cấy lúa và các cây hoa màu khác, phần đất nào cao ráo có thể chuyển đổi được thì trồng Hoa, Cây cảnh, các loại quả xuất khẩu như Dưa chuột, Đậu , khoai tây, đỗ, lạc ..vv…Khi công nhân đi làm sẽ có tiền để thuê lại, và nảy sinh ra một dịch vụ nông nghiệp nữa là Cấy hái thuê, trồng hoa màu thuê.
Để thành công “mô hình xã hội học tập” thì theo tôi trước hết phải xây dựng được ý thức học tập trong mỗi con người. Vậy làm thế nào để người nông dân có ý thức học tập ? Dựa vào bản chất của người nông dân vốn cần cù chịu khó, song đời sống vẫn gặp muôn vàn khó khăn, phần đông không có của cải tích luỹ bởi vậy nếu định hướng cho người nông dân 5 năm sau nếu anh chịu khó học tập thì sẽ được cái này cái nọ, xem ra có vẻ không sát với thực tế. Nếu người ta hỏi ngược lại rằng: ngày mai tôi sống bằng cái gì để chờ được đến 5 năm thì chắc cũng khó có câu trả lời thoả đáng. Chính vì lẽ đó mà tôi chọn giải pháp HỌC - TIỀN - HỌC hay nói theo phong cách người nông dân thì Sáng cấy chiều gặt là mô hình kích cầu mạnh nhất để trong mỗi con người đó tự ý thức phải học tập để vươn lên.
( BBT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn