Hội Khuyến học Quảng Bình

http://hoikhuyenhocqb.gov.vn


Khai mạc "Tuần lễ học tập suốt đời"

Sáng ngày 02/10/2016 Ban chỉ đạo HTSĐ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2016. Tham dự có Bà Phạm Thị Bích Lựa- UV BTV TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch HKH Quảng Bình; đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố Đồng Hới; cùng tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh trường THCS số 1 Nam Lý, TP Đồng Hới.

“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2016, cũng đúng vào ngày Khuyến học Việt Nam, đây cũng là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đã sản sinh ra biết bao những bậc hiền tài làm rạng danh non sông đất nước. Đỉnh cao của sự kết tinh, tỏa sáng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như vậy. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang. 

  Xây dựng xã hội học tập gắn với việc học tập suốt đời cho mọi người là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại; nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức với hội nhập, toàn cầu hóa, kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ. Đó cũng chính là cơ sở để phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và con người trong thời đại mới. Việc tổ chức Tuần lễ là một hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập mà Việt Nam đang hướng tới. Thông qua việc học tập suốt đời bằng nhiều hình thức, địa điểm, không gian khác nhau sẽ giúp mọi người dân có thể đáp ứng đủ trình độ, kỹ năng khi sinh sống, làm việc tại bất cứ đâu trên thế giới. Đây là một sáng kiến mở ra cánh cửa tri thức cho tất cả người dân có thể bổ sung, tiếp cận các nguồn tri thức, tiến bộ khoa học tiên tiến trên thế giới. Việc học tập suốt đời sẽ giúp cho mô hình xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam thành công trong tương lai. 
  Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” - “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2016 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, các tổ chức xã hội và cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xã dựng xã hội học tập nói chung và về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người nói riêng; khuyến khích việc đọc sách thường xuyên, liên tục và suốt đời nhằm xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số ở các nhà trường và cộng đồng. Đây là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. 
  Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Mạng lưới trường lớp, các cấp học, cơ sở đào tạo ở cả hai loại hình chính quy và không chính quy, các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và người lao động. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục nghề nghiệp từng bước được tăng lên. Cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo toàn ngành cơ bản được chuẩn hóa, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường và tăng trưởng trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các phong trào thi đua trong giáo dục được tổ chức thường xuyên, đạt hiệu quả và kết quả khá tốt. Những kết quả, thành tích đã đạt được ghi nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu và đồng thuận của mỗi một người dân trong phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể và các lực lượng làm giáo dục trên địa bàn. 
 Phát huy thành tích đã đạt được trong năm qua, đồng thời để “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016” với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” đạt hiệu quả cao và hướng tới xây dựng một XHHT: 
  1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”. Tiếp tục đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo, chăm lo hơn cho việc phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn huyện; tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh… góp phần thực hiện có hiệu quả Đế án xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020. 
  2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; Quyết định 2436/QĐ-UBND ngày 07/10/2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm cho xã hội nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân được học, học suốt đời. 
  3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và tổ chức các nguồn tài nguyên điện tử hữu ích (sách, báo điện tử, trang web), tài liệu trực tuyến và tài liệu số để phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin của nhà trường trong môi trường số. 
  4. Các trường học giới thiệu về sách và các tài liệu điện tử hữu ích trên website của nhà trường nhằm chia sẻ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tìm đọc; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng/câu lạc bộ đọc sách Online bằng cách tạo các trang Facebook hay Blogs của thư viện nhà trường để học sinh và giáo viên trao đổi về những cuốn sách hay. 
  5. Phát động các cuộc thi trưởng thành cùng sách để các em tự lập ra mục tiêu kế hoạch đọc của mình; các cuộc thi tìm hiểu thông tin trực tuyến dưới nhiều hình thức hấp dẫn với sự tham gia của phụ huynh học sinh; khuyến khích giáo viên mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, hướng dẫn các trường tích cực sử dụng phương tiện dạy học kỹ thuật số (băng, đĩa,...) để giúp trẻ được “nghe sách” thường xuyên hơn, đồng thời khuyến khích việc hướng dẫn cha mẹ đọc sách cho trẻ. 
  6. Tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách hữu ích, an toàn, cách sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử; 
  7. Các TTHTCĐ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử để truy cập internet và tìm đọc những thông tin hữu ích phục vụ đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và xã hội. 
  Hãy cùng nhau chung tay xây dựng XHHT ngay tại gia đình mình, địa phương mình để góp phần xây dựng thành công một XHHT và để khẳng định: Con người Việt Nam không chịu nghèo nàn lạc hậu, con người Việt Nam hiếu học, ham hiểu biết, giàu nghị lực, quyết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng đất nước mạnh giàu. 
  Thực hiện tốt “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2016 với các khẩu hiệu hành động là: 
  - Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số 
  - Học, học nữa, học mãi (Lê nin) 
  - Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân (Hồ Chí Minh) 
  - Mỗi ngày đọc vài trang sách, khi về già bạn có trong mình một thư viện khổng lồ. (V.Na Xốp) 
  - Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay. (Vi Hiền Truyện).
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây